Để xếp hạng, PAPI 2020 đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Bảng tổng hợp Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 |
Theo bảng tổng hợp Chỉ số PAPI 2020 được công bố, Đồng Tháp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số cao nhất với 46.97 điểm, xếp thứ 2 trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước (sau Quảng Ninh với 48.811 điểm), tăng 0,25 điểm so với năm 2019.
Cụ thể, điểm chỉ số thành phần của Đồng Tháp: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở là 4,72 điểm; công khai minh bạch trong việc ra các quyết định là 5,91 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân là 5,14 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là 8,12 điểm; thủ tục hành chính công là 7,78 điểm; cung ứng dịch vụ công là 7,49 điểm; quản trị môi trường là 5,2 điểm; quản trị điện tử là 2,61 điểm. Với kết quả này, Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đáng chú ý, trong 8 chỉ số thành phần của PAPI 2020, Đồng Tháp có 6 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất của cả nước gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra các quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường. Riêng chỉ số quản trị môi trường, Đồng Tháp dẫn đầu cả nước.
Trước đó, năm 2019, Đồng Tháp được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số cao nhất (gồm 16 tỉnh, thành phố), đạt 46.72 điểm, điểm cao xếp thứ 2 cả nước (sau Bến Tre).
Theo đại diện UNDP Việt Nam, Chỉ số PAPI năm 2020 khảo sát 14.732 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên 63 tỉnh, thành phố với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.424 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và 308 người có hộ khẩu tạm trú ở 6 tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh).
Được khởi động tại Việt Nam từ năm 2009, đến năm 2020, có tới 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công ở 8 lĩnh vực cụ thể. Mục tiêu của Chương trình nghiên cứu PAPI là góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng. |