Chỉ số POBI: Cải thiện tích cực |
Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2021 cho thấy mức độ công khai ngân sách của các tỉnh cải thiện không đáng kể so với 2020.
Khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) được thực hiện độc lập bởi hai tổ chức thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.
Khảo sát POBI được thực hiện liên tục từ năm 2017 bao gồm ba trụ cột về minh bạch ngân sách, sự tham gia của người dân trong chu trình ngân sách và trách nhiệm giải trình.
Quang cảnh buổi công bố |
Kết quả năm 2021 cho thấy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng khảo sát POBI 2021, đạt 98,59 điểm. Khánh Hòa xếp thứ hai với 92,69 điểm và Lai Châu xếp thứ ba với 91,99 điểm. Bình Phước và Hà Tĩnh là các tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng với số điểm là 5,15 điểm và 9,14 điểm.
Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh là ba tỉnh có sự tiến bộ vượt bậc trong kết quả xếp hạng POBI 2021 so với năm 2020. Cụ thể, Quảng Bình đã tăng 45 bậc, Khánh Hòa tăng 42 bậc và Quảng Ninh tăng 39 bậc trên bảng xếp hạng POBI 2021. Trong khi đó, Ninh Bình, Tây Ninh và Lâm Đồng lại là ba tỉnh có sự sụt giảm đáng kể về thứ bậc trên bảng xếp hạng. Trong đó, Ninh Bình giảm 38 bậc, Tây Ninh giảm 35 bậc và Lâm Đồng giảm 23 bậc so với năm 2020
Liên quan đến trụ cột thứ nhất về minh bạch ngân sách (tính là chỉ số công khai ngân sách POBI 2021), kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy mức độ công khai ngân sách của các tỉnh cải thiện không đáng kể so với POBI 2020. Điểm xếp hạng trung bình về công khai ngân sách của các tỉnh 2 đạt 69,53/100 điểm, tăng 0,44 điểm so với năm 2020.
Kết quả khảo sát chỉ số POBI năm 2021 |
Về trụ cột thứ hai, kết quả khảo sát POBI 2021 về mức độ tham gia của người dân cho thấy các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 41,8/100 điểm, tăng 2,55 điểm so với năm 2020 và 3,78 điểm so với năm 2019.
“Như vậy có thể thấy sự cải thiện về điểm số của trụ cột sự tham gia của người dân trong thời gian qua là rất hạn chế”- TS Vũ Sỹ Cường, thành viên Nhóm nghiên cứu nhận xét.
Về trụ cột trách nhiệm giải trình, kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy mức độ giám sát và trách nhiệm giải trình của Hội đồng Nhân dân các tỉnh vẫn còn phải cần được cải thiện.
Kể từ khi thực hiện đánh giá lần đầu vào năm 2017, Khảo sát POBI đã và đang trở thành công cụ giúp các tỉnh có thể tham chiếu và đo mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật ngân sách nhà nước năm 2015. POBI góp phần giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách của các tỉnh thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách.
Đánh giá một cách khái quát, ông Nguyễn Đức Thành- Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định những địa phương nào đã thực hành công khai ngân sách tốt thường tiếp tục thực hành điều này một cách tích cực (Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Cao Bằng, Lai Châu). Trong khi đó, có những tỉnh còn thiếu ý thức tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước 2015, như Hà Tĩnh và Bình Phước (liên tục trong nhóm thấp nhất). Có những tỉnh lúc đầu chưa tuân thủ tốt, nhưng đã cải thiện mạnh mẽ và giữ ổn định vị trí cao, như Hòa Bình và Lạng Sơn.
“Đặc biệt, so với năm trước, những tỉnh có sự cải thiện tốt nhất bao gồm: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Chúng tôi hy vọng các tỉnh sẽ ngày càng nghiêm túc trong việc thực hành công khai minh bạch theo đúng tinh thần pháp luật”- vị chuyên gia này nói.
Theo ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội (khoá XIV), Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước đã có quy định rất rõ về việc công khai, minh bạch ngân sách nhà nước.
“Đã có quy định rồi, trách nhiệm giải trình của các cấp chức năng sẽ rõ hơn”- ông Dũng nói.