Ấn phẩm này là nghiên cứu thường niên có mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ấn phẩm năm nay đã chọn đánh giá chính sách kinh tế là chủ đề trọng tâm, bởi đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của không những của nhà quản lý chính sách mà còn của các chuyên gia, học giả nghiên cứu.
Báo cáo về ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2020”, PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đồng chủ biên ấn phẩm chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ các ngành, khu vực, đối tượng khác nhau.
Việc hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2020 là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Dù ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 20 năm qua (tăng 2,91%), nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng chung của kinh tế thế giới suy giảm 4%.
Việt Nam được coi là hình mẫu biến những thách thức từ dịch bệnh COVID-19 thành cơ hội |
Vẫn theo vị chuyên gia này, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới?. Sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm.
“Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, PGS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.
Để vượt qua khó khăn thách thức trên, ông Thành cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Cùng với đó, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức; tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. Dịch COVID-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đại dịch diễn biến phức tạp trở lại trên nhiều địa phương trong cả nước đang và sẽ tác động toàn diện, nặng nề hơn đến nền kinh tế.
Thực tế này đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, PGS.TS.Tô Trung Thành nhìn nhận, Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này.
Để giảm thiểu tác động của địa dịch Covid – 19 hay các cú sốc tương tự trong tương lai, các chuyên gia Trường Đại học kinh tế Quốc dân khuyến nghị, một số điều chỉnh chính sách cần được xem xét thực hiện. Thứ nhất, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nên được mở rộng đối tượng thụ hưởng để bảo đảm công bằng đối với mọi thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo đó, một số điều kiện không cần thiết đối với đối tượng thụ hưởng của chính sách miễn giảm tiền thuê đất nên được rà soát và gỡ bỏ cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, việc giảm thuế TNDN hay thuế/phí đối với hàng hóa và dịch vụ xa xỉ là một phương thực hỗ trợ chưa phù hợp bởi chính sách này chưa nhắm trúng đối tượng cần ưu tiên, tạo sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và có thể khiến môi trường kinh doanh xấu đi.
Thứ ba, các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí hiện đang được thực hiện một cách dàn trải, phổ rộng đối với tất cả các doanh nghiệp, người dân có thể gây lãng phí ngân sách. Để bảo đảm chính sách này được thực hiện theo hướng tập trung, đúng đối tượng và tiết kiệm nguồn lực, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách này chỉ nên được thực hiện trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhanh tác động của dịch Covid-19 đến từng ngành, nhóm doanh nghiệp và người dân.