Khả quan, nhưng vẫn khó
Báo cáo tại cuộc họp về 12 dự án ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi. Cụ thể, năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng có lợi nhuận đạt 195,55 tỷ đồng (tăng 180,767 tỷ đồng so với 2017) và trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy tiếp tục duy trì thành tích này với lợi nhuận ước đạt 12,047 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. |
Dự án Nhà máy thép Việt - Trung năm 2018 có lợi nhuận đạt 469 tỷ đồng (tăng 159 tỷ đồng so với năm 2017). Tuy nhiên, sang năm 2019 do thị trường phôi thép diễn biến xấu, giá phôi thép giảm mạnh. Ước 3 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt 1.386,741 tỷ đồng, ước lỗ 15,367 tỷ đồng.
Đối với 4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và giảm dần mức độ thua lỗ; trong năm 2018, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 266,2 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 288,48 tỷ đồng và Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,68 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 10,135 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 44,568 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành ổn định trở lại, cụ thể: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đang vận hành ổn định 10 dây chuyền, sản lượng đến ngày 25/2/2019 đạt 3.368 tấn sợi các loại. Dự kiến trong quý II/2019 sẽ nâng quy mô vận hành 15-18 dây chuyền và tiến tới sẽ vận hành toàn bộ Nhà máy trong năm 2019; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã tiến hành sản xuất theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap;) từ tháng 10/2018 đến nay đã cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 m3 cồn ethanol, 183 tấn CO2 thực phẩm và 314 tấn bã sắn thức ăn gia súc. Còn 1 dự án đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường. Riêng Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa để sẵn sàng khởi động lại.
Trước báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ phấn khởi khi một số dự án đang dần vượt qua khó khăn, vận hành trở lại, kinh doanh tốt lên. “Mừng nhất dự án xơ sợi Đình Vũ, trước tôi đến thăm dự án này cũng thấy bi quan. Cả đống tài sản mà vài đồng chí bảo vệ, trông coi tài sản, không có một tiếng động nào.Giờ dự án chạy lại, bù đắp được biến phí, kết quả cực kỳ tốt”- Phó thủ tướng đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương |
Đánh giá về các dự án của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Vina chem chia sẻ: Trong số 4 dự án yếu kém của Vinachem, dự án Đạm Ninh Bình là căng thẳng nhất. Đặc biệt chi phí tài chính quá lớn. Hiện tất cả các hợp đồng tín dụng Vinachem vay đầu tư cho dự án này đang phải trả, bản thân Đạm Ninh Bình không trả được. “Nếu cứ duy trì khoản nợ thế này bản thân công ty cũng không thể trả. Không khéo tập đoàn cũng không có khả năng trả nợ. Tháng trước ngân hàng VietinBank làm văn bản nói nếu không trả tiền thì họ sẽ kiện ra toà. Hiện đạm Ninh Bình hoạt động chủ yếu là khách hàng ứng tiền, mang tiền đi mua than chạy”- ông Nguyễn Phú Cường bày tỏ.
Trong số 4 dự án của Vinachem, dự án DAP 1 Hải Phòng đã khá hơn khi có lãi gần 200 tỷ, một phần lớn là nhờ tiết giảm chi phí 99 tỷ đồng. Cho nên Vinachem mong muốn đưa dự án ra khỏi danh sách 12 dự án.
Quyết tâm và kiên nhẫn với tranh chấp hợp đồng EPC
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, đối với các dự án khó khăn chưa phải là đã hết vì dù đã hoạt động lại song chi phí khấu hao quá lớn, các đơn vị không có khả năng trả nợ khoản vay nên vẫn cần phải chỉ ra phương án tháo gỡ. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo đại diện các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty cần phải nói thẳng, rõ ràng, tập trung vào từng vấn đề.
Để xử lý dứt điểm các vướng mắc tranh chấp hợp đồng EPC và quyết toán các dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thành báo cáo để báo cáo Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo cùng các bộ ngành liên quan đưa ra hướng xử lý. Với các tập đoàn, tổng công ty, tiếp tục tập trung rà soát, cập nhật, đánh giá kỹ các vấn đề cụ thể còn đang vướng mắc, tranh chấp tại các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tại các dự án, xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể những công việc cần thiết để xử lý, trong đó có việc thuê đơn vị tư vấn luật, tham vấn Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan nhằm sớm dứt điểm nhưng tranh chấp này.
“Tinh thần là đàm phán để đạt được thỏa thuận, quyết tâm và kiên nhẫn với những lý lẽ sắc sảo, đặt lên bàn đàm phán theo hướng có lợi nhất cho phía chúng ta. Như PVTex bằng phương án hòa giải đã giảm được thiệt hại đến 23 triệu USD”, Phó Thủ tướng nói.
Còn trường hợp 2 bên không thống nhất được, phía đối tác không hợp tác và cảm thấy bế tắc thì tập đoàn, tổng công ty và từng dự án liên quan cần phải báo cáo khẩn trương về Ban Chỉ đạo, tham vấn ý kiến Bộ Tư pháp để đưa ra bên thứ 3, đó là cơ quan trọng tài phân xử. Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Tisco giai đoạn 2, DAP Lào Cai.. đều đang bị vướng vấn đề này.
“Đồng thời giải quyết các hợp đồng EPC, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra tiếp tục phối hợp để phát hiện, kết luận xử lý các trường hợp vi phạm. Xác định rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt với phần tài sản bị thiệt hại, thất thoát do vi phạm gây ra”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu cần bám sát các kế hoạch, phương án đã đặt ra đối với việc xử lý các doanh nghiệp trong 12 dự án. Tập trung thực hiện biện pháp đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí kinh doanh… là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng là thường xuyên. Phát huy tinh thần chủ động, tự chịu trách nhiệm, loại bỏ tâm lý trông chờ hỗ trợ từ nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm văn bản chính thức đưa Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng ra khỏi 12 dự án, bởi trong thời gian qua dự án này đã hoạt động tốt, kinh doanh có hiệu quả bền vững.