Sáng ngày 13/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
40% số xã đã bị xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTN - ông Phùng Đức Tiến - cho hay: tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã (khoảng 40% số xã) của 204 huyện tại 29 tỉnh, thành phố; với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc dịch bệnh.
Còn nhiều bất cập trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi |
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch.
Cụ thể, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch. “Có những tỉnh quy mô đàn lợn lớn nhưng nghĩ đến thiệt hại do đó chậm hoặc chưa công bố dịch bệnh để bán chạy lợn”, ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường....
Tại hội nghị, một số ý kiến cũng cho rằng, cần có hỗ trợ cho cả doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Bởi hiện nay, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì với doanh nghiệp có tổng đàn rất lớn lại không được hỗ trợ. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng lo ngại với tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh như hiện tại sẽ tạo điều kiện cho thịt lợn ngoại nhập khẩu vào Việt Nam.
Lo lắng vấn đề cung cầu
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An - cho hay: Bộ Công Thương có trên 10 văn bản chỉ đạo và đã tổ chức hai hội nghị liên quan đến phòng chống dịch. Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cũng đã tập trung tham gia với các lực lượng chuyên ngành trong phòng chống dịch. Theo đó, đã kiểm tra trên 2.000 điểm và xử lý trên 200 cơ sở sản xuất, sản xuất giết mổ thịt lợn không hợp lý, tiêu hủy hơn 1.500 con lợn. Trong điều kiện chăn nuôi hiện nay còn nhiều bất cập, Bộ Công Thương cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh và đã kiểm soát bước đầu dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, điều kiện chăn nuôi của nước ta lại nhỏ lẻ, giết mổ chưa được chuẩn công nghiệp, làm thế nào để vừa phòng chống, ngăn dịch lây lan và phát triển sản xuất đang là vấn đề đặt ra. "Hiện, ngành chăn nuôi đang chiếm 5% GDP, đàn lợn Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới. Nếu chống dịch trong thời gian kéo dài thì chúng ta phải thiết kế lại chương trình”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đặt vấn đề.
Vừa qua có một số nơi, việc kiểm soát, quản lý còn nơi lỏng. Việc thả lợn chết trôi sông, dịch bệnh phát tán qua đường nước và sông ngòi là rất nguy hiểm. Do đó,cần nêu cao tinh thần không được chủ quan. “Tôi hoan nghênh việc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đề nghị đưa lực lượng vũ trang vào cuộc và dùng quân lệnh để xử lý vấn đề này”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ.
Một vấn đề mà Bộ Công Thương lo lắng đó là cung cầu sản phẩm thịt lợn. Hiện, Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu và các Sở Công Thương tăng cường nắm bắt diễn biến cung cầu giá cả thịt lợn trên thị trường. Nếu có bất thường về giá cả phải báo cáo ngay để có phương pháp giải quyết. Nguyên tắc phải bảo đảm cho thịt lợn sạch được vận chuyển và tiêu thụ đến tay người tiêu dùng.
Thứ trưởng An cũng đề nghị các ngành khác như y tế, thú y phải hướng dẫn chế biến và tiêu thụ. Hiện, thịt lợn chiếm 70% trong bữa ăn của người Việt, nếu để người tiêu dùng sợ toàn bộ thịt lợn là rất nguy hiểm. “Vừa qua, Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ thịt lợn sạch, an toàn. Đây cũng là một kinh nghiệm trong việc xúc tiến, tiêu thụ thịt lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Chia sẻ thực tế, qua khảo sát một số tỉnh và một số doanh nghiệp lớn, Thứ trưởng An cho hay, khả năng thích ứng còn hạn chế, nên đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại đầu tư ngành chăn nuôi thịt lợn. “Nếu dịch bệnh kéo dài nhưng bệnh không lây sang người thì cách phòng chống có khác gì với dịch lây sang người không? Nếu số lượng lợn bệnh lớn và dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì việc tiêu hủy phải làm như thế nào? Việc tuyên truyền dịch tả lợn châu Phi đúng mức cũng quan trọng không kém gì công tác chống dịch”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đặt vấn đề.
Cần có giải pháp mạnh trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát. Đặc biệt, nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường. “Bệnh này được dự báo sẽ tiếp tục lan truyền phức tạp, làm sao để hạn chế quy mô lây truyền, hạn chế thấp nhất thiệt hại, để có giải pháp tái đàn bước sau này đang là vấn đề được đặt ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ cân nhắc, giao cho cơ quan chuyên ngành nghiên cứu đề xuất một chính sách phù hợp nhất để động viên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từng tỉnh cần xây dựng phương án đối phó dịch theo tình hình của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch. Các Bộ, ngành, thành viên Ban chỉ đạo thành lập ngay các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
“Thời gian qua, một số địa phương xảy ra tình trạng không còn chỗ để tiêu hủy lợn bệnh, có địa phương còn tình trạng vứt xác lợn chết như tại Bắc Giang. Do đó, các địa phương nếu có thông tin báo chí phản ánh cần kiểm tra lại và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.