Đề xuất đưa Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA Bảo vệ môi trường qua lăng kính nghệ thuật |
Rùa biển ở Côn Đảo đẻ 95.600 trứng
Ông Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu- cho biết: Côn Đảo đang vào mùa cao điểm rùa biển từ các đại dương tìm về để sinh sản. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, cao điểm là tháng 6 và tháng 7 rùa biển từ khắp nơi tìm về Côn Đảo sinh sản. Thời điểm này, Vườn quốc gia Côn Đảo đã sẵn sàng phương án hỗ trợ rùa biển được sinh nở "mẹ tròn, con vuông".
Côn Đảo đang vào mùa cao điểm rùa biển từ các đại dương tìm về để sinh sản. |
Vườn Quốc gia Côn Đảo có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng với chiều dài khoảng 3,5 km, diện tích mặt bãi 24 ha. Trong đó chỉ có 5 bãi gần các Trạm Kiểm lâm, thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo thuận lợi cho công tác bảo vệ, di dời và làm hồ ấp cố định gồm: bãi cát lớn hòn Bảy Cạnh; bãi cát lớn hòn Cau; bãi Dương; hòn Tài và hòn Tre Lớn. Các bãi còn lại nằm xa Trạm Kiểm lâm nên gặp khó khăn trong công tác bảo vệ, di dời phải làm hồ ấp tạm thời hoặc dời về hồ ấp cố định.
"Vào mùa rùa đẻ trứng một số bãi xa phải làm chốt bảo vệ tạm thời để trực bảo vệ trong mùa rùa lên đẻ trứng", ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm.
Tính từ đầu năm đến ngày 10/7/2023, ở Côn Đảo rùa biển lên các bãi đẻ thành công 1.028 tổ, với tổng số trứng lên đến 95.600 trứng, đã ấp nở 339 tổ, thả về biển 23.141 cá thể rùa con. Tỷ lệ nở 78,74% và tiến hành đeo thẻ theo dõi cho 276 cá thể rùa mẹ.
Ở Côn Đảo có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng với chiều dài khoảng 3,5 km, diện tích mặt bãi 24 ha. |
Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo Lê Hồng Sơn cho biết thêm, để hàng ngàn rùa biển từ khắp nơi tìm về các bãi cát sinh sản được bảo vệ an toàn, trạm Kiểm lâm đã tăng cường tuần tra bảo vệ trong suốt mùa sinh sản.
Trong quá trình tuần tra, trực bãi bảo vệ tài nguyên nếu phát hiện rùa biển lên bãi làm tổ sẽ tiến hành xóa dấu vết, di dời tổ rùa về trạm ấp và ghi nhận các thông tin về số lượng dấu vết của rùa biển, định danh loài, thu thập các thông số về trứng. Tiến hành vệ sinh, san lấp bãi tạo điều kiện cho rùa mẹ lên bãi đẻ trứng bằng việc. Theo đó, hạn chế tối thiểu các tác nhân gây nhiễu loạn bãi đẻ trong mùa sinh sản như gây tiếng động, ánh sáng vào ban đêm, sự neo đậu và thả lưới, vận chuyển gần nơi bãi đẻ...
Từ đầu năm đến ngày 10/7/2023, ở Côn Đảo rùa biển lên các bãi đẻ 95.600 trứng. |
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành kiểm tra, theo dõi rùa mẹ lên bãi đẻ trứng; Đeo thẻ cho rùa mẹ sau khi đẻ trứng; Di dời trứng sau khi rùa mẹ đẻ xong lên hồ ấp trứng (100% số tổ trứng sau khi rùa mẹ đẻ xong được di dời lên hồ ấp trứng); Quản lý, giám sát, ghi nhận trứng nở và thả rùa con về biển; Đặt pin theo dõi nhiệt độ hồ ấp trứng rùa biển để có các biện pháp thích hợp nhằm cân bằng tỷ lệ giới tính rùa biển...
Xử lý nghiêm việc săn bắt, buôn bán rùa biển và trứng rùa biển
Theo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo trước đó ngày 12/6/2023 đơn vị nhận được tin báo của Đội An ninh hàng không thuộc Cảng hàng không Côn Đảo về việc soi chiếu an ninh đã phát hiện 5 vật hình tròn nghi là trứng của loài động vật hoang dã được dấu trong hành lý xách tay của hành khách.
Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã có mặt phối hợp với Đội an ninh hàng không, thuộc Cảng vụ hàng không Côn Đảo, Công an huyện Côn Đảo và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo để kiểm tra và phát hiện trong vali - hành lý xách tay nữ du khách có 5 quả trứng hình tròn, màu trắng nghi là trứng của loài Vích (Cheloniamydas).
Từ đầu năm đến ngày 10/7/2023, vườn quốc gia Côn Đảo đã thả về biển 23.141 cá thể rùa con. |
Nữ du khách khai nhận đến Côn Đảo để đi du lịch, trong quá trình làm thủ tục an ninh để bay ra Hà Nội thì xảy ra sự việc. Về nguồn gốc 5 quả trứng hình tròn, màu trắng nghi của loài Vích có trong vali, do lời khai của nữ du khách còn mâu thuẫn nên các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ. "Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ biện pháp cần thiết để lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật", đại diện Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết.
Theo Vườn quốc gia Côn Đảo rùa biển là loài động vật quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm bảo vệ của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Vi phạm đối với các loài Rùa biển sẽ bị xử lý loài thuộc Danh mục nguy cấp được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các vi phạm liên quan đến loài rùa biển sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể khối lượng, số lượng hoặc giá trị tang vật...
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo- cho biết thêm, ngoài các chế tài trên, hiện nay để nâng cao nhận thức bảo vệ rùa biển Vườn quốc gia Côn Đảo tổ chức chương trình tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển.
Cụ thể, phối hợp với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam tổ chức chương trình tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển. Trong năm 2023 đã tổ chức 5 đợt tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển với mỗi đợt từ 16 đến 19 tình nguyện viên/đợt.
Ngoài ra, ở hai đảo nhỏ là hòn Bảy Cạnh và hòn Cau, Vườn quốc gia Côn Đảo còn khai thác tour sinh thái xem rùa đẻ, cứu hộ rùa, thả rùa con về biển phục vụ du lịch... Qua đó giúp mọi người thấy rõ giá trị của rùa biển; tầm quan trọng của công tác bảo tồn từ đó cùng chung tay bảo vệ rùa biển nói riêng và bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học Vườn quốc gia Côn Đảo nói chung.
Bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo góp phần đa dạng sinh học Côn Đảo là sinh cảnh làm tổ an toàn nhất Việt Nam hiện nay, cũng là nơi thích hợp cho các hợp tác nghiên cứu và bảo tồn rùa biển. Nhiều nhà khoa học và quản lý khẳng định những thành quả trong bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo đã góp phần ổn định và đảm bảo sự đa dạng sinh học của vùng biển Việt Nam và cho cả quốc tế. Vườn quốc gia Côn Đảo được xác lập là một khu rừng cấm từ năm 1984. Đến năm 1993 trở thành vườn quốc gia - là một trong những khu rừng đặc dụng được thành lập khá sớm ở Việt Nam. Vùng biển Côn Đảo có 166 loài nằm trong "sách đỏ" của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 6 loài trong "sách đỏ" Việt Nam. |