Doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỷ đồng/năm
Nếu như khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ), nhưng đến nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.
![]() |
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ - Ảnh: Q.N |
Mặc dù vậy, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện chi cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam đang ở mức 0,5% GDP, mới được 1/4 so với mục tiêu 2%. Đồng thời, trong mục tiêu 2% GDP này, chi của doanh nghiệp phải chiếm 70 - 80%, nhưng hiện doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỷ đồng một năm, mới đạt được 1/6 so với mục tiêu.
TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chi phí cho nhập khẩu công nghệ thường rất cao, trong khi đó, nguồn lực tài chính của phần lớn doanh nghiệp có hạn, không đủ tiền và không đủ nguồn lực để nhập khẩu công nghệ.
Do đó, để tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, nhà nước cần có những can thiệp chính sách một cách toàn diện, đủ mạnh. Trong đó, các chính sách tạo thuận lợi để doanh nghiệp được tiếp cận về tài chính, tín dụng và các ưu đãi về thuế được xem là đòn bẩy quan trọng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam không những cần có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, doanh nghiệp không chỉ cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc như thực hiện việc chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
"Mặc dù, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng rất ít, cùng với đó, lãi suất hiện nay cần phải cải thiện hơn nữa. Bản thân công nghiệp là một ngành quan trọng, song cũng đòi hỏi số vốn lớn, khả năng thu hồi vốn lại chậm hơn so với các lĩnh vực khác, nên nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông Lê Văn Hiệp chia sẻ.
"Cởi trói" về chi tiêu cho khoa học và công nghệ
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
![]() |
Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ |
Trong đó, Nghị quyết 57 đã nêu rõ: Có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài.
Còn tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu: Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
Cụ thể, các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
"Là doanh nghiệp, chúng tôi rất kỳ vọng những cơ chế chính sách ở các Nghị quyết này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp" - ông Lê Văn Hiệp nói.
Mặt khác, về phía doanh nghiệp, ông Hiệp cho rằng, nỗ lực của chính bản thân cộng đồng doanh nghiệp vẫn là yếu tố mang tính chất quyết định để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh và khắc phục những hạn chế do nội lực, trình độ phát triển hay những yếu tố tác động bên ngoài khác. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng: Tập trung cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn với nền kinh tế quốc tế sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững và phát triển lâu dài.
“Muốn vậy, doanh nghiệp cần tích cực đầu tư cho nghiên cứu phát triển, nâng cao năng lực công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề cốt yếu, quan trọng hàng đầu để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã "cởi trói" một số nội dung về chi tiêu cho khoa học và công nghệ.
Một trong những chính sách quan trọng là cho phép tất cả các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế.
Đây là nội dung "cởi trói" rất lớn so với trước đây chỉ cho phép doanh nghiệp trích Quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tối đa không quá 10% thu nhập chịu thuế (con số này nhỏ hơn nhiều so với tổng doanh thu của doanh nghiệp).
Với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể đầu tư cho nghiên cứu phát triển gấp 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này sẽ hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua cơ chế cho phép toàn bộ các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc sở hữu, được phép thương mại hóa ngay kết quả nghiên cứu mà không cần lập kế hoạch xin cấp trên. Điều này giúp rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế.
Với tháo gỡ này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo lãnh đạo đơn vị họp ngay các đơn vị đã có kết quả nghiên cứu, sẵn sàng ký hợp đồng triển khai doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh ngay thời gian tới.
Trong tháng 5/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2026-2030 nhằm tạo đà cho tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Doanh nghiệp khi tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, sẽ có tác động ngay đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, rất cần chính sách, cơ chế đột phá để kích thích doanh nghiệp. |