Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa, đồng thời bảo vệ người dùng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách chặn truy cập trên nhiều trang web, dịch vụ của Google.
Tác nhân người dùng - User agent (viết tắt: UA) - là một chuỗi văn bản giúp định danh trình duyệt khi kết nối tới các trang web. Các trình duyệt khác nhau sẽ có chuỗi UA riêng biệt khác nhau. Giải thích một cách đơn giản hơn, chuỗi UA sẽ giúp xác định được người dùng đang truy cập bằng trình duyệt nào, hệ điều hành gì và thậm chí là cả loại thiết bị (di động, máy tính hay máy tính bảng) mà họ đang sử dụng chỉ nhờ quá trình duyệt web thông thường.
Chuỗi UA ngày càng trở nên phổ biến nhờ khả năng giúp các trang web tinh chỉnh hiệu suất, tính năng; tránh bị lỗi (bugs) khi duyệt web hoặc loại bỏ những trình duyệt lỗi thời. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, hiện một số đơn vị đã lợi dụng các chuỗi UA để chặn người dùng truy cập vào nhiều trang web, dịch vụ trên Internet.
Thông qua các chuỗi UA, Google đã liên tục chặn Cốc Cốc trong một số dịch vụ của họ. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến chính là hồi tháng 5 vừa qua, người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt. Đây là một động thái cạnh tranh không công bằng giữa các đối thủ trong cùng một thị trường - trình duyệt và công cụ tìm kiếm.
Tình trạng này cũng xảy ra ở một số trang web khi người dùng Cốc Cốc truy cập, sẽ có hiển thị cảnh báo với nội dung “hãy thay đổi trình duyệt của bạn sang Chrome” hoặc “vui lòng cập nhật trình duyệt của bạn”. Điều đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến Cốc Cốc, khiến hoạt động của những tính năng này trên Cốc Cốc không ổn định, gây ra gián đoạn và phiền nhiễu cho người dùng thông qua quá trình sử dụng.
Trình duyệt Cốc Cốc được xây dựng và phát triển trên mã nguồn Chromium tương tự như Google Chrome, Microsoft Edge, Opera Browser... Không những thế, Cốc Cốc còn phát triển thêm nhiều bộ tính năng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng và thường xuyên được cập nhật trong các phiên bản. Vì vậy, những lệnh cấm truy cập nêu trên đối với người dùng Cốc Cốc là hoàn toàn không có lý do chính đáng. Điều này cũng buộc Cốc Cốc phải chuyển thông tin chuỗi UA của mình sang sử dụng của Google Chrome.
Việc chuẩn bị và triển khai chuyển đổi UA đã được Cốc Cốc thực hiện từ nhiều tháng trước và hoàn thành vào cuối tháng 8/2021. Cốc Cốc không phải là đơn vị đầu tiên phải chuyển các tác nhân người dùng sang Google Chrome để có quyền truy cập vào các trang web khác nhau. Trước đó, trình duyệt Brave hay Vivaldi cũng đã có những động thái tương tự sau khi bị “chơi xấu” trong một thời gian dài
“Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đội ngũ Cốc Cốc nhất trí đặt trải nghiệm của người dùng và tính ổn định cho sản phẩm lên trên nhất. Do đó, chúng tôi chấp nhận bỏ đi “đặc điểm nhận dạng” của mình - chính là thông tin về UA, chấp nhận khả năng sụt giảm trong một số công cụ thống kê và chuyển sang sử dụng chuỗi UA của Google Chrome” - ông Nguyễn Vũ Anh - Phó Tổng giám đốc của Cốc Cốc - cho biết.