Số lượng các trường trực thuộc Bộ Công Thương hiện nay có 34 trường, gồm 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, 9 trường đại học, 24 trường cao đẳng.
Các đơn vị đào tạo tích cực khuyến khích giáo viên và sinh viên nghiên cứu KHCN |
Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã nghiên cứu xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển KHCN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020.
Một trong những giải pháp chiến lược đó là tăng cường liên kết, phối hợp giữa các tổ chức KH&CN như viện, trường và doanh nghiệp trong việc đề xuất đặt hàng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, tiết kiệm tiêu hao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương.
Trên cơ sở chiến lược KHCN của ngành, Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn các trường trực thuộc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược gắn liền với chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của trường giai đoạn 2011-2020. Nội dung của chiến lược đã được các trường cụ thể hóa trong các nhiệm vụ KHCN hàng năm, và là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu cho việc xem xét đặt hàng, tuyển chọn, xét chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương - cho hay, nhờ tích cực đầu tư phát triển tiềm lực KHCN, từ kinh phí sự nghiệp khoa học kết hợp với kinh phí của các doanh nghiệp, các trường đã triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia và cấp Bộ thuộc các lĩnh vực khác nhau, như: Nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp thương mại, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, điện tử; khai thác khoáng sản, luyện kim, hóa chất, năng lượng, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm.
Với sự chủ động, tích cực, công tác nghiên cứu KHCN tại các cơ sở đào tạo cơ bản đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, theo Vụ KH&CN đó là các trường đã hình thành nên các nhóm nghiên cứu và định hướng nghiên cứu phù hợp với quy mô, năng lực, thế mạnh của từng trường. Với định hướng nghiên cứu ứng dụng, nhiều trường đã nghiên cứu chuyển giao, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, một số nhiệm vụ có tính thực tiễn cao có ý nghĩa đối với thực tế sản xuất. Các trường đã chủ động tiếp cận công nghệ mới, hiện đại phù hợp với xu thế 4.0.
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cũng ghi nhận: nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu KHCN, 3 năm gần đây, các trường thuộc Bộ đã tập trung đổi mới chính sách, khuyến khích giáo viên và sinh viên nghiên cứu khoa học, kiện toàn hội đồng giáo sư nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, theo Vụ KH&CN, hoạt động KHCN của các trường chưa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có. Trong đó, số lượng công trình công bố còn thấp; hầu hết các trường vẫn đang theo hướng đề xuất nhiệm vụ KHCN mang tính nhỏ lẻ, việc đề xuất hướng cụm nhiệm vụ lớn, giải quyết bài toàn đặt ra của các ngành, lĩnh vực chưa được đi sâu nghiên cứu, đề xuất…
Nguyên nhân được chỉ ra, đó là do thiếu quy hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đào tạo; hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN còn rất hạn chế; nhận thức đúng đổi mới sáng tạo trong KHCN là động lực cho phát triển của nhà trường và là nguồn thu của trường khi đi vào tự chủ còn hạn chế; sự hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu ứng dụng và các doanh nghiệp chưa thực sự phát triển, chưa đi vào thực tế.
Đặc biệt, khó khăn của các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện nghiên cứu KHCN đó là số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ trung bình còn ít, với tỷ lệ thấp hơn với yêu cầu quy định 10% đối với trường thuộc nhóm đại học thực hành. Theo đó, với lực lượng đội ngũ như hiện nay, việc đảm bảo chất lượng đào tạo và hoạt động nghiên cứu KHCN trong tình hình mới của hệ thống trường thuộc Bộ còn gặp nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh và yêu cầu phát triển chung về KHCN của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý, ông Đào Trọng Cường - cho rằng, các cơ sở đào tạo cần tăng cường làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để bổ sung kinh phí nhằm nâng cao tiềm lực KHCN cho khối trường, các trường cần dành thời gian, công sức xây dựng chiến lược KHCN bài bản. Trong đó, các nhiệm vụ nghiên cứu nên đi theo hướng cụm nhiệm vụ, giải quyết vấn đề thao chuỗi; công tác nghiên cứu khoa học cần gắn với quy hoạc công tác đào tạo, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Vụ KH&CN, các nhà trường cần tập trung ưu tiên nguồn lực, phối hợp với các Viện nghiên cứu ứng dụng, các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ từ cách mạng công nghệ 4.0, nghiên cứu, phát triển, làm chủ một số công nghệ lõi, nền tảng phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên; tăng cường hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN.
Trong định hướng năm học 2020-2021, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã định hướng và nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ sở giáo dục là phải nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần hình thành và phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, thực hành, hoạt động có mục tiêu, hướng tới sản phẩm đầu ra rõ ràng, liên hệ chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, tổ chức nhóm nghiên cứu theo nhóm ngành nghề, sử dụng kết quả nghiên cứu để đánh giá chất lượng giảng viên một cách thực chất.