Đến năm 2019, các ngân hàng cần thêm 7 tỷ USD vốn cấp 1
Dưới áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị các kiều kiện đáp ứng chuẩn mực Basel II, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng ngày càng cấp thiết.
Cổ phiếu “vua” trước sức ép dội cung |
Theo tính toán của Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ cho vay tăng trưởng, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019. Nếu không tăng được vốn, tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng thuộc khu vực tư nhân được xếp hạng sẽ giảm xuống 8% vào cuối năm 2019, thay vì mức 9,4% vào cuối năm 2017. Tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, tỷ lệ này giảm về 6,1%, thay vì 6,9%.
Tương tự, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II.
Áp lực tăng vốn đã thúc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động thưởng cổ phiếu, chia cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược.
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua, có 20/34 ngân hàng tiến hành tăng vốn điều lệ, tổng số vốn tăng thêm đạt hơn 43.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số vốn này chủ yếu tập trung tại những ngân hàng lớn như Techcombank, VPBank, MB, ACB..., còn lại là chưa hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần kế hoạch như BaoVietBank, Viet Capital Bank, Nam A Bank... Bởi vậy, những ngân hàng này đang nỗ lực để hoàn thành việc tăng vốn trong hơn 1 tháng còn lại của năm.
Bất chấp bị dội cung, ngân hàng quyết thoái vốn
Bên cạnh tăng vốn, các ngân hàng còn chịu áp lực từ việc thoái vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó quy định một tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác.
Sau thành công của các đợi thoái vốn trong quý III/2018 và thu về hàng nghìn tỷ đồng, nhiều ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn vừa để gia tăng lợi nhuận, vừa đáp ứng quy định này.
Agribank cho biết sẽ bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần tại OCB, mức giá khởi điểm là 18.130 đồng/cổ phần, dự kiến tổ chức vào ngày 29/11 tại CTCP Chứng khoán Agribank. Trước đó, Vietcombank cũng có kế hoạch thoái hết vốn khỏi OCB; Vietinbank muốn thoái toàn bộ vốn ở Saigonbank...
Áp lực tăng vốn cũng như thoái vốn tại các ngân hàng khiến nguồn cung trên thị trường chứng khoán tăng mạnh, gây sức ép lên nhóm cổ phiếu “vua”. Mặt khác, việc thị trường trong xu hướng giảm thời gian gần đây làm thị giá cổ phiếu ngân hàng giảm theo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư không mấy hào hứng tham gia trong các phiên đấu giá.
Đơn cử, ngày 10/10 vừa qua, Vietcombank mang hơn 53,39 triệu cổ phiếu MBB ra đấu giá, nhưng chỉ 1 nhà đầu tư tham gia mua 10.000 cổ phiếu MBB, nên ngân hàng này phải mang số cổ phiếu còn lại bán khớp lệnh trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Một trong những lý do khiến buổi đấu giá ế ẩm là vì thị giá thấp hơn giá đấu.
Sau đó, Vietcombank tiếp tục chào bán 45,6 triệu cổ phiếu EIB, song không ai đăng ký mua nên cuộc đấu giá không được tổ chức… Trước thời điểm Vietcombank tổ chức đấu giá, thị giá cổ phiếu EIB giảm về dưới 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá đấu là 14.497 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù cổ phiếu “vua” đang chịu sức ép “dội cung", nhưng để đáp ứng các quy định, nhiều ngân hàng cũng như các tổ chức khác vẫn quyết đẩy mạnh hoạt động thoái vốn trong thời gian còn lại của năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho Vietcombank được quyết định tỷ lệ thoái vốn tại EIB và MBB. Do đó, Vietcombank không nhất thiết phải thoái hết vốn tại MBB, nhưng khả năng sẽ rút toàn bộ vốn tại EIB.
Trước đó, để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Vietcombank đã thoái vốn khỏi OCB, Saigonbank, Công ty Tài chính Xi măng và thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Tương tự, sau khi rút bớt vốn tại Saigonbank xuống 4,91%, tương đương hơn 15 triệu cổ phần, Vietinbank tiếp tục rao bán toàn bộ số cổ phần Saigonbank này. Tuy nhiên, thời gian và mức giá chào bán cụ thể chưa được công bố.
Không chỉ ngân hàng, các cổ đông Nhà nước cũng muốn thoái vốn tại nhà băng. Chẳng hạn, Thành uỷ TP. HCM mới thông báo sẽ thoái vốn tại Saigonbank và DongABank. Hiện tại, cơ quan này đang nắm hơn 18% vốn tại Saigonbank và sở hữu 6,87% vốn DongABank. Được biết, DongA Bank đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt.
Thống kê từ 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2018, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt gần 58.820 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank và MBBank.
Bên cạnh "điểm sáng" lợi nhuận, “điểm tối” trong bức tranh kinh doanh ngân hàng là nợ xấu có xu hướng tăng lên, nhất là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến hết quý III/2018 là hơn 2%. Nếu tính cả nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đang nắm giữ, con số nợ xấu cao hơn, ở mức khoảng 7% tổng dư nợ. Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, đây cũng là một trong những lý do khiến giá cổ phiếu “vua” giảm sức hút thời gian gần đây.