Tín hiệu tích cực với ngành ngân hàng
Vừa qua, Quốc hội vừa bấm nút thông qua gói hỗ trợ nền kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành vào ngày 17/1. Gói hỗ trợ này được đánh giá sẽ là chất xúc tác đối với nền kinh tế và sẽ có tác động tích cực tới ngành ngân hàng.
Ông Nguyễn Danh Lương - Thành viên HĐQT độc lập ABBank nhận xét, gói kích cầu quy mô lớn sẽ trực tiếp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% năm nay là khả thi. Theo những nghiên cứu gần đây thì khi hiệu quả của dòng vốn ngân hàng được cải thiện thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể gấp trên 2 lần tăng trưởng GDP.
“Các ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn hơn, khách hàng của hệ thống ngân hàng khi phục hồi được sản xuất kinh doanh cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ và khả năng trả nợ của họ được cải thiện. Những điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng trưởng quy mô, phát triển thêm các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng danh mục tài sản, cải thiện khả năng thu hồi/xử lý nợ xấu. Và những điều đó là cơ sở để dự báo về kết quả hoạt động khả quan của ngành ngân hàng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Danh Lương nhận định.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị hướng đến mục tiêu: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid và thiên tai; hệ thống phát triển an toàn, bền vững; Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
Bên cạnh chính sách tiền tệ, các chính sách tài khóa, thương mại và đầu tư cũng sẽ được triển khai đồng bộ sẽ hỗ trợ phục hồi chuỗi sản xuất, kích thích đầu tư, tiêu dùng và tạo đà tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 6,5-7%. Chỉ số VN-Index – phong vũ biểu của nền kinh tế - đang được các chuyên gia dự báo là sẽ chuyển từ vùng cận biên sang vùng mới nổi và dự kiến tăng lên xấp xỉ 1.800 điểm, thậm chí tăng trưởng hơn nữa vào 2023 nếu dịch bệnh được kiểm soát như dự báo.
Ông Nguyễn Danh Lương cho rằng, với môi trường kinh tế tăng trưởng tốt, "sức khỏe" của các doanh nghiệp được củng cố/tăng cường, hành lang chính sách được cải thiện đang giúp các ngân hàng mở rộng các cơ hội kinh doanh, phát triển thêm các sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, chỉ thị 02 của NHNN về chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng trên cơ sở Công nghệ 4.0 và Hệ thống Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp Ngân hàng quản lý tốt và hiệu quả hơn việc lưu chuyển vốn trong nền kinh tế, hạn chế việc sử dụng vốn sai mục đích từ đó giảm thiểu nợ xấu phát sinh.
Có tới 95% các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng. Trong chưa đầy 2 tuần đầu của năm mới, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí có mã còn lập đỉnh mới kể từ khi niêm yết.
Dư địa tăng trưởng còn rất lớn
Về mặt định giá, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn khoảng 15% của đỉnh năm 2021. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá ngân hàng trở nên hợp lý, hiện P/B khoảng 2 lần.
Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc khối phân tích VNDirect nhận định: “Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%. Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa ngân hàng Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn.”
Một trong những yếu tố kỳ vọng sự định giá lại là từ dòng vốn nước ngoài. Năm 2021, khối ngoại bán ròng khá mạnh khi họ lo ngại tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thì dòng tiền chảy khỏi thị trường mới nổi như Việt Nam.
“Nhưng hiện tỷ lệ bao phủ vaccine cao và đánh giá tác động từ Fed không lớn thì kỳ vọng dòng vốn nước ngoài quay lại và nhóm hưởng lợi đầu tiên là ngân hàng.” – Bà Trần Thị Khánh Hiền thông tin.
Theo ông Nguyễn Danh Lương, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế và khi nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng thì ngành ngân hàng có nhiều cơ hội phát triển. Ông đánh giá, khi dịch bệnh xảy ra cũng đã buộc hệ thống ngân hàng tiến nhanh hơn trong quá trình số hóa các sản phẩm dịch vụ. Vì thế thu nhập từ phí dịch vụ và từ các sản phẩm số đã là trở thành một "điểm sáng" trong hoạt động của các ngân hàng năm qua. Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc các ngân hàng tập trung nâng cao năng lực tài chính, tuân thủ các lộ trình/giải pháp của đề án "cơ cấu lại gắn liền với xử lý nợ xấu", thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực quản trị, đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cũng đã tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư về sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong trung, dài hạn và sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng.