Giá dầu tăng 29%, cổ phiếu dầu khí đã hấp dẫn?
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào tháng 7/2018, với cán cân cung cầu thế giới đang dần cải thiện, giá dầu Brent dự kiến ở mức trung bình 73 USD/thùng trong nửa cuối năm 2018 và sẽ giảm xuống 69 USD/thùng vào năm 2019.
Thực tế, trong nửa đầu năm 2018, giá dầu Brent bình quân đạt 71 USD/thùng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 23% so với thời điểm đầu năm 2018, đồng thời tăng 29% so với mức giá cơ sở 55 USD/thùng được hầu hết doanh nghiệp dầu khí áp dụng để lên kế hoạch kinh doanh năm 2018.
Theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), nhờ giá dầu tăng mạnh, doanh thu và lợi nhuận của đa phần doanh nghiệp dầu khí niêm yết trong nửa đầu năm nay tăng từ 26-36% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Huy, Trưởng Phòng Phân tích KIS cho biết, giá dầu hiện nay đã vượt điểm hòa vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Là công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí ở tất cả phân khúc thượng, trung và hạ nguồn, với kết quả kinh doanh khả quan, PVN đã nộp ngân sách nhà nước hơn 61.800 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2018, vượt 46% kế hoạch đề ra trong kỳ.
Theo giới phân tích, việc giá dầu tăng thúc đẩy PVN triển khai một số dự án lớn như dự án Lô B Ô Môn với tổng giá trị đầu tư 8 tỷ USD, dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD...
Trong đó, mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt (lô 05-1b và 05-1c) dự kiến khai thác dòng dầu, khí thương mại đầu tiên trong quý III/2020. Các dự án được khởi động sẽ tạo “công ăn việc làm” cho nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt ở phân khúc thăm dò và khai thác.
Ở góc độ đầu tư, giới phân tích nhận định, mặt bằng giá nhiều cổ phiếu dầu khí hiện đã ở mức giá hấp dẫn sau thời gian giảm mạnh trong quý II - đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu ngành dầu khí, bên cạnh việc giá dầu tăng.
Cơ hội không chia đều
Dù được đánh giá có nhiều triển vọng, nhưng giới phân tích cũng cho rằng, cơ hội không dành cho tất cả các doanh nghiệp dầu khí bởi trước mắt vẫn còn không ít thách thức.
Chẳng hạn, với các doanh nghiệp thượng nguồn, công tác tìm kiếm, thăm dò, mở mới tuy có chuyển biến, nhưng vẫn khá cầm chừng.
Điều này sẽ khiến nhóm doanh nghiệp này đối mặt với việc thiếu hụt sản lượng khai thác giai đoạn 2018-2020. Đó là chưa kể thị trường khoan và khảo sát thăm dò vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khi giá dịch vụ giảm và khối lượng công việc chưa nhiều.
KIS cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác dầu của PVN đạt 7,13 triệu tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm.
Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp trung và hạ nguồn, triển vọng được đánh là tích cực hơn. Đơn cử, ở phân khúc hạ nguồn, CTCP Kinh doanh khí miền Nam (PGS) cho biết, với kịch bản giá dầu 55 USD/thùng, năm 2018, PGS đặt kế hoạch doanh thu 5.927 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 135,9 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, PGS đạt 3.012 tỷ đồng doanh thu và 61,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 51% và 45% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng cuối năm, PGS ước đạt doanh thu 3.285 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 74,9 tỷ đồng, tức vượt 6% kế hoạch doanh thu và hoàn thành kế hoạc lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), giá dầu tăng nhưng phải ổn định mới đủ điều kiện để các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như OIL có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan.
"Hiện nay, Chính phủ điều hành giá xăng dầu theo định kỳ 15 ngày/lần. Nếu giá dầu biến động bất thường, không những không có lợi, mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc OIL cho hay.
Bên cạnh sản lượng, sự ổn định của đà tăng giá dầu..., tỷ giá cũng là yếu tố tác động lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, nhất là khi tỷ giá đang trong xu hướng tăng như hiện nay.
Theo giới phân tích, những doanh nghiệp có nợ vay USD và không có nguồn thu USD sẽ chịu bất lợi khi tỷ giá tăng, trong khi những doanh nghiệp có dòng tiền vào - ra bằng USD mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Ông Trịnh Duy Viết, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) đánh giá, trong những tháng cuối năm 2018, các doanh nghiệp thượng tầng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu tăng, trong khi các doanh nghiệp trung và hạ tầng được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc đẩy nhanh triển khai các dự án dầu khí.
Do đó, kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm sẽ có sự phân hóa, lợi nhuận của các doanh nghiệp thượng tầng sẽ tích cực hơn so với doanh nghiệp trung và hạ tầng.
“Đối với các doanh nghiệp xây dựng công trình dầu khí, khả năng bứt phá trong thời điểm cuối năm là không nhiều, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn có sức hấp dẫn dòng tiền, qua đó hỗ trợ thị trường chung tăng điểm", ông Viết đánh giá.