Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của BSR - doanh nghiệp chủ quản của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, sẽ được tổ chức vào ngày 17/1/2018. Để thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư, ngày 20/12/2017 BSR sẽ tổ chức roadshow tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 5/1/2018 tại Hà Nội. Các tài liệu liên quan đến đợt IPO này dự kiến sẽ được công bố từ ngày 15/12/2017.
Theo phương án cổ phẩn hóa, BSR có vốn điều lệ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần. Trong lần IPO này, BSR sẽ bán đấu giá công khai 7,8% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu, dự kiến sẽ thu về khoảng 4.000 tỷ đồng cho Nhà nước. Giai đoạn tiếp theo, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, dự kiến thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc của BSR cho biết: “Hiện BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược, trong đó có 2 công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%) gồm: Worl Petrol (Mỹ) và MacronPetrol Petroleum (châu Phi).
Trước đó, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK của Hàn Quốc, một công ty lớn nhất của Thái Lan và Tập đoàn dầu khí quốc gia Kuwait đã đánh tiếng mua cổ phần của NMLD Dung Quất. Ngoài ra, với chỉ số ROE năm 2017 đạt 26% và ROA đạt trên 11%, như vậy trong 360 nhà máy lọc dầu trên thế giới thì NMLD Dung Quất hiện đang có lợi nhuận đứng thứ 2 trong 100 nhà máy lọc dầu hoạt động có hiệu quả”.
Sức hút cổ phiếu của BSR ngày càng “nóng dần” lên khi thời gian tới Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất hoàn thành vào năm 2021, BSR có thể tự tin chế biến được từ 200-300 loại dầu thô, thị trường lúc đó sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác nữa trong đó có xăng Ron 97, các sản phẩm xăng của BSR sẽ đạt tiêu chuẩn Euro5.
Đặc biệt theo phía BSR, sau IPO công ty này sẽ tiến hành đưa Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất vào hoạt động trở lại, (dự kiến cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2018) và từng bước phấn đấu đưa nhà máy đạt 100% công suất, kịp thời đáp ứng cho thị trường nhiên liệu sinh học đang rất sôi động tại Việt Nam.
Như vậy với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần, vốn hóa thị trường của lọc dầu Dung Quất có giá trị khoảng 45.300 tỷ đồng (2 tỷ USD).
Cùng với BSR, 2 doanh nghiệp lớn khác của PVN là PV Power và PV Oil cũng vừa được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tính theo giá khởi điểm, PV Power dự kiến huy động 6.700 tỷ đồng và PV Oil dự kiến huy động 2.700 tỷ đồng thông qua đấu giá.