Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 10.605 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thoả thuận lớn. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 34,9 tỷ USD, tăng 7% so với cuối năm 2018. Số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng, đạt hơn 2,28 triệu tài khoản, tăng 4,7% so với cuối năm 2018, trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 7%. Điều này chứng tỏ sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, dòng vốn ngoại rút dần ra khỏi Trung Quốc chủ yếu do tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Theo đó, rất nhiều nhà sản xuất kinh doanh và đầu tư trên thế giới có một lượng vốn dư thừa vì sản xuất sẽ đình trệ, chậm lại sẽ tìm những thị trường tương đối ổn định để đầu tư và Việt Nam được đánh giá có môi trường đầu tư tương đối tốt. Vì thế vốn đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp hay gián tiếp vẫn chảy vào Việt Nam.
TTCK kỳ vọng tăng thu hút vốn ngoại |
Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận- Trường Đại học Tài chính - Marketing TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, sắp tới dòng vốn ngoại vào Việt Nam dù ở hình thức nào cũng sẽ khá thuận lợi. Bởi các DN Việt được kỳ vọng sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu nhờ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tăng doanh thu và lợi nhuận nên sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư, nhất là gom mua cổ phiếu trên sàn để tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại.
Thêm vào đó, một số nhà đầu tư ở các quốc gia xung quanh Việt Nam cũng sẽ tìm cách mua cổ phần của các DN sản xuất kinh doanh lớn ở Việt Nam nhằm chuyển hướng đầu tư, kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ đó tạo ra các sản phẩm mang xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao mà Mỹ áp với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Vì thế TTCK Việt cũng thêm cơ hội đón dòng vốn ngoại.
TTCK trong nửa cuối năm 2019 với nhiều điểm tích cực
Trong những tháng cuối năm 2019 dòng vốn ngoại được dự báo sẽ đổ mạnh vào TTCK Việt Nam thông qua các quỹ tracking các chỉ số MSCI, FTSE. Ngoài ra, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 1/8 vừa qua hạ lãi suất đồng USD lần đầu tiên sau 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với mức giảm lãi suất là 0,25% có thể sẽ tạo ra làn sóng cắt giảm lãi suất ở ngân hàng trung ương các nước, giúp cho nhà đầu tư có thể tiếp cận dòng tiền rẻ và dẫn đến việc dòng tiền bơm ròng vào các TTCK mới nổi như Việt Nam trong những tháng cuối năm 2019 này.
Bên cạnh đó, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan quản lý, do vậy việc đáp ứng được các tiêu chí gần như là xu thế tất yếu. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong trường hợp Việt Nam được Tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE Russell chính thức nâng hạng lên thị trường thứ cấp trong kỳ review tháng 3/2020, TTCK Việt Nam sẽ hấp dẫn từ 571,41 triệu USD đến 966,31 triệu USD từ các quỹ đầu tư ETFs. Ngoài dòng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động, TTCK Việt Nam sẽ hấp dẫn khoảng từ 420,03 triệu đến 710,30 triệu USD từ các quỹ đầu tư chủ động.
Còn theo đánh giá từ tổ chức phát hành Premia Partners, TTCK Việt cũng có cơ hội lớn được nâng hạng từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại mới đã được ký kết như CPTPP, EVFTA. Cùng với đó, Việt Nam là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có sự ổn định nhất thế giới. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán sẽ bằng 100% GDP vào năm 2020, tăng lên 120% vào năm 2025. hay Luật Chứng khoán (sửa đổi) được dự kiến thông qua trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra vào tháng 10/2019 tới có thể sẽ khắc phục những tiêu chí hạn chế còn lại để giúp TTCK Việt Nam có thể sớm được nâng hạng.