Kết nối doanh nghiệp điện tử trong chuỗi cung ứng toàn cầu Doanh nghiệp điện tử: Cơ hội vàng tại NEPCON 2019 |
Chia sẻ tại sự kiện giới thiệu Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023 tại Singapore diễn ra vào trưa 10/5, tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Nhất là gần đây có thông tin, nhiều hãng điện tử toàn cầu đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, cụ thể như Tập đoàn Apple, đã có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng đang có ý định triển khai sản xuất những sản phẩm mang tính cao cấp hơn.
Ông Darren Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương tại buổi giới thiệu Triễn lãm |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thêm những cơ hội xuất khẩu linh kiện điện tử sang những thị trường khác nhau trên thế giới. Cụ thể, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, đầu năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tiếp đón rất nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ châu Âu, Đông Âu, Nga… những đoàn doanh nghiệp này có chung mong muốn tìm kiếm những sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam. Điều này đang mở ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp điện tử trong nước.
Cũng nói về những cơ hội cho doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ông Darren Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực tế hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống trước đây như Trung Quốc, do đó đây là cơ hội để doanh nghiệp điện tử Việt Nam có thể nắm bắt dòng sản xuất ở các thị trường khác có ý định sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt, theo ông Darren Seah, Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon… điều có chứng tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lợi thế về vị trí địa lý, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền và đặc biệt các chính sách thu hút đầu tư thì rất cởi mở, vì vậy, cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp điện tử Việt Nam tìm kiếm những cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử.
Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đứng trước cơ hội lớn |
Liên quan đến triển lãm ITAP, chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế Việt Nam, ông Darren Seah cho rằng, đây là triển lãm có sự tham gia của rất nhiều tập đoàn điện tử đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, do đó doanh nghiệp điện tử Việt Nam tham dự cũng có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư với những đối tác hàng đầu, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Rõ ràng, cơ hội cho doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang rất lớn, tuy nhiên, ông Darren Seah cũng cho rằng, để tận dụng được những cơ hội trên, doanh nghiệp sản xuất điện tử của Việt Nam phải đảm bảo 2 yếu tố, bao gồm: Thứ nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm; Thứ hai, cần có sự kết nối với các đối tác nước ngoài để đảm bảo về mặt xuất khẩu sản phẩm. Nếu đáp ứng được hai tiêu chí đó, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển và trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, nhất là sau khi dịch Covid-19 diễn ra. Theo đó, bên cạnh quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thì vấn đề giá cả của sản phẩm cũng là yếu tố được người tiêu dùng lưu tâm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào khó khăn, thu nhập của người dân giảm xuống. Do đó, những sản phẩm điện tử có tính ứng dụng cao và mức giá cạnh tranh sẽ được người tiêu dùng lựa chọn, đó cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp điện tử cần quan tâm để đáp ứng tốt hơn xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Triển lãm “Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023: Số hoá và bền vững trong sản xuất tiên tiến” dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 18-20/10/2023 với sự tham gia của hơn 300 đơn vị đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Triển lãm được tổ chức dưới sự phối hợp tổ chức của Constellar và đối tác quốc tế Deutsche Messe. Sự kiện là cơ hội để các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 toàn cầu tiếp cận sâu sắc hơn với các thị trường mới và thị trường có sẵn, đồng thời giúp cho các công ty lớn trong khu vực và những đối tác liên quan trong chuỗi giá trị chủ động tạo cơ hội để tăng trưởng doanh nghiệp bền vững trong tương lai. Đặc biệt, với trọng tâm là các xu hướng và giải pháp mới trong sản xuất tiên tiến, sự kiện sẽ hướng ngưới tham dự đến những đổi mới sáng tạo liên quan đến các giải pháp Nhà máy xanh, qua đó giúp ngành công nghiệp sản xuất giảm thải carbon trên hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0. Triển lãm cũng sẽ giới thiệu những bước tiến mới trong Máy công cụ thông minh và các sản phẩm kỹ thuật được tích hợp với công nghệ AI mới nhất và đươc thiết kế để cải thiện năng suất thông qua tự động hoá quy trình. |