Những năm gần đây, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và thực hiện cam kết với các tổ chức tài chính quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin tài chính có tính chuẩn mực, khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận, đặc biệt trong lĩnh vực công.
TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính - chia sẻ những bước tiến đáng kể của Việt Nam trong việc ban hành các quy định kế toán công hướng đến chuẩn quốc tế: “Bộ Tài chính đã công bố lộ trình áp dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế đến năm 2023 (IPSAS) vào tháng 6/2019, và ban hành 5 chuẩn mực kế toán công đợt 1 vào tháng 9/2021. Việc công bố và thông qua Chuẩn mực kế toán công mang lại lợi ích cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước”.
Trong bối cảnh đó, các trường đại học cần thiết đánh giá lại, đề ra các chiến lược mới phù hợp với sự phát triển về khuôn khổ pháp lý kế toán công và công tác xây dựng chuẩn đào tạo khối ngành tại Việt Nam hiện nay. “Những vấn đề quan tâm như thực trạng nhu cầu đào tạo, khẳng định tầm quan trọng của đào tạo, chương trình đào tạo khu vực công riêng hay tích hợp, cũng như vấn đề ứng dụng thông tin rất quan trọng với chất lượng nguồn nhân sự tài chính - kế toán khu vực công tương lai”, TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại hội thảo.
Trên tinh thần đó, đại diện Học viện Tài Chính (AOF) và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã trình bày thực trạng đào tạo kế toán công tại Việt Nam, cũng như các vấn đề liên quan. Cụ thể, đại diện AOF chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo kế toán công, bao gồm những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thử thách; đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện chất lượng đào tạo. Trong khi đó, UEH tập trung vào chương trình kế toán hiện hành tại UEH và các trường đại học khác; trao đổi các vấn đề liên quan đến kế hoạch áp dụng hoặc tích hợp kiến thức công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo kế toán trong tương lai gần, đặc biệt là lĩnh vực công.
Dựa trên những vấn đề chính nêu trên, các diễn giả đã cung cấp các giải pháp đào tạo kế toán công cho Việt Nam. Bà Bonnie Ann Sirois - Chuyên gia Quản lý tài chính cấp cao (FM), Điều phối viên của đơn vị FM tại Thái Bình Dương - cho hay: “Một trong những mục đích chính của bộ công cụ là hỗ trợ các quốc gia phát triển kế hoạch và thực hiện các quy trình trong nước nhằm đào tạo kế toán viên có kỹ năng cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; đồng thời cũng cải tiến báo cáo tài chính, kiểm toán và các quy định. Bộ hướng dẫn của chúng tôi hỗ trợ chuyển đổi giáo dục và đào tạo kế toán, cũng như chứng nhận từ phương pháp dựa trên kiến thức đến phương pháp dựa trên năng lực”.
Là một hội nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán, VACPA đang thúc đẩy đáng kể sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán độc lập tại Việt Nam cho các hội viên VACPA nói riêng và kiểm toán viên nói chung. Từ ngày 10/11/2021, VACPA chính thức được công nhận là một thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC). Đây là sự khẳng định về uy tín, năng lực nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng như những đóng góp của VACPA cho lĩnh vực công và lĩnh vực tư tại Việt Nam, và quá trình hội nhập quốc tế.