CôngThương - Vi phạm luật không ít
Theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ. Tổng số cổ phần của họ và người liên quan cũng không được vượt 20% vốn của một NH.
Nhưng kể từ khi Luật Các TCTD có hiệu lực đến nay đã 3 năm, vẫn còn 5 NHTM có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, 5 đơn vị có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 NHTMCP mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.
Kết quả thanh tra của NHNN cũng cho thấy, ở không ít NH, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu dẫn đến thao túng, chi phối, phục vụ cho lợi ích nhóm. Mặt khác, đẩy NH đến tình trạng hoạt động quản trị thiếu minh bạch, việc điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định trong phòng ngừa rủi ro và cấp tín dụng.
Trước thực trạng trên, NHNN đã có bản dự thảo “Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần của TCTD vượt giới hạn quy định tại Luật Các TCTD”, trong đó yêu cầu các NHTMCP xử lý dứt điểm tình trạng này chậm nhất trước 31/3/2015, trừ những NH thực hiện theo phương án tái cơ cấu đã được NHNN duyệt.
Nếu quá thời hạn, cổ đông cá nhân, tổ chức và người có liên quan buộc chuyển nhượng cổ phần cho NHNN và sẽ mất quyền biểu quyết cũng như không được ứng cử làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát. Ngoài ra, dự thảo này cũng đề xuất cấm TCTD được cấp tín dụng mới cho cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt “trần” và nếu đang có dư nợ với các đối tượng này thì NH phải thu hồi sớm toàn bộ khoản tín dụng.
Do đó, tới đây các cổ đông đang nắm tỷ lệ cổ phần NH vượt trần cho phép sẽ phải tính chuyện bán bớt cổ phiếu hoặc thông qua cơ cấu lại về quy mô để giảm tỷ lệ cổ phần trong một NHTMCP.
Trăm ngả tìm cách hạ tỷ lệ
Việc đề nghị sáp nhập vào Sacombank được xem là một giải pháp để ông Trầm Bê và những người có liên quan giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá “trần” cho phép. Đến nay, phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng vì lợi ích cổ đông đang được hai bên cân nhắc trước khi trình cổ đông thông qua. Tuy nhiên, cái được trước mắt mà không ít người đánh giá rằng, sau thương vụ sáp nhập này, cá nhân ông Trầm Bê cùng với các thành viên trong gia đình ông sẽ xóa được dấu tích về việc sở hữu chéo giữa hai NH là Southern Bank và Sacombank.
Một số cổ đông lớn là tổ chức của các NH khác cũng đang xoay xở tìm cách giảm tỷ lệ sở hữu thông qua các phương án sáp nhập: Maritime Bank sáp nhập Mekong Bank vì Maritime Bank đang nắm tỷ lệ cổ phần lớn tại Mekong Bank.
Còn tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, từng sở hữu 9,19% vốn của VIB và bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) nắm 9,39%. Nhưng theo công bố mới đây của VIB, vợ chồng ông Vỹ đã bán bớt tổng số 37 triệu cổ phiếu VIB để giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân về dưới 5%. Tính đến ngày 13/2/2014, ông Vỹ chỉ còn nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,99%, còn bà Hiền sở hữu hơn 20,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9%. Tuy nhiên, ngoài vợ chồng ông Vỹ, hiện vẫn còn một số cổ đông đang nắm tỷ lệ cổ phần vượt trần cho phép.
Không riêng gì gia đình ông Bê; ông bà Vỹ - Hiền, còn nhiều trường hợp khác tương tự như bà Thái Hương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bac A Bank nắm tỷ lệ 7% cổ phần của nhà băng này. Bà Hương cũng khẳng định sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu nói trên về dưới 5% vào năm 2015. Chủ tịch HĐQT Bac A Bank là bà Trần Thị Thoảng cũng nắm giữ 5,2% cổ phần của NH… và cũng khẳng định sẽ thoái vốn theo đúng tỷ lệ cho phép của Luật.
Mục tiêu là vậy, nhưng để thoái vốn trong bối cảnh hiện nay xem ra không dễ dàng, bởi khi giải pháp sáp nhập khó khăn thì không ít cổ đông tìm đến phương án giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần thông qua thị trường chứng khoán. Nhưng trong bối cảnh giá cổ phiếu NH sụt giảm, thanh khoản cổ phiếu của các NH nhỏ, yếu kém lại không như kỳ vọng thì những cổ đông lớn không dễ thoát “hàng”. Vì thế, giải pháp được cho là tốt nhất hiện nay là tìm đối tác để sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại. Thực tế này có thể đưa tới dự báo xu hướng trong thời gian tới một số NH nhỏ như: PGBank, GPBank, Mekong Bank, Southern Bank… cũng sẽ chọn giải pháp M&A.
Vấn đề sở hữu chéo xuất phát từ tồn tại lịch sử, cộng với áp lực tăng vốn tạo ra sở hữu chéo giữa các NH bằng vốn ảo. Chính áp lực tăng vốn đã làm gia tăng sở hữu chéo trong hệ thống NH và không loại trừ một số cổ đông đã góp vốn ảo để đáp ứng được nhu cầu trên, kéo theo khó khăn cho NH hôm nay, nợ xấu gia tăng.
Đề cập vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mục tiêu tái cấu trúc ngành NH cùng với mục đích xóa sổ tình trạng cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần nhằm lành mạnh hóa hệ thống. Tuy nhiên, với tình hình trước mắt, sẽ phải mất nhiều thời gian để các cá nhân tìm cách thoái lui.