Tại hội thảo, TS Hồ Công Hòa - Phó trưởng Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Chính sách huy động nguồn lực cho TTX ở Việt Nam, bao gồm: Các chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho năng lượng tái tạo (NLTT), thu gom và xử lý, tái chế chất thải rắn, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TTX.
Cũng theo TS Hồ Công Hòa, vai trò của doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) trong lĩnh vực TTX ngày càng quan trọng, sự tham gia của khu vực này vào lĩnh vực TTX những năm gần đây có sự gia tăng mạnh mẽ, nhất là đầu tư vào sản xuất NLTT, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.
Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường của khu vực DNNNN tăng mạnh trong giai đoạn 2010-2019 |
Cụ thể, báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM về nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với TTX giai đoạn 2021-2030 vừa công bố cũng cho thấy, năm 2010, lĩnh vực NLTT (điện gió, mặt trời) chỉ có 1 DNNNN tham gia đầu tư, nhưng đến năm 2015 thì số lượng này đã lên đến 8 doanh nghiệp và năm 2019 là 379 doanh nghiệp; tương tự trong lĩnh vực điện, thủy điện và điện khác năm 2010 có 68 DNNNN tham gia, nhưng 2015 là 178 doanh nghiệp và 2019 là 398 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quy mô dự án của các DNNNN tham gia vào lĩnh vực này còn rất khiêm tốn và doanh thu của các DNNNN tham gia vào lĩnh vực này không tương xứng với tiềm năng, số lượng doanh nghiệp trong ngành, nhất là trong lĩnh vực năng lượng - TS Hồ Công Hòa thông tin thêm.
Để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào TTX giai đoạn 2021-2030 nói chung, lĩnh vực NLTT, dịch vụ môi trường nói riêng, các chuyên gia nghiên cứu của CIEM cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách.
Cụ thể, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu, như: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế. Áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế carbon theo lộ trình phù hợp, nhằm định hướng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai. Đặc biệt, cần thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho TTX, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, TTX và phát triển bền vững.
Cùng với đó, tập trung nghiên cứu ban hành các cơ chế thí điểm triển khai các dự án hợp tác đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP) như: Thu gom và xử lý chất thải, cấp nước sạch… làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Luật PPP. Đẩy nhanh chương trình cải cách hành chính, đổi mới hình thức lập kế hoạch theo kế hoạch trung và dài hạn, đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sớm ban hành các hướng dẫn về cơ chế mua - bán nợ, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể về định giá, đấu thầu, đấu giá các khoản nợ để bán, và mở rộng thị trường mua - bán nợ cho các công ty ngoài nhà nước. Thúc đẩy công tác đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thẩm định, đàm phán hợp đồng dự án PPP cho các bộ, ngành và địa phương. Xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về PPP cho toàn xã hội về vai trò của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính cho dịch vụ chất thải với nhà nước. Công khai các quy hoạch năng lượng, ngành nước thải và chất thải rắn, bao gồm các dự báo lượng thải, hệ thống đấu nối, và các vấn đề liên quan khác…
Đồng tình với quan điểm của nhóm nghiên cứu về các giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DNNNN tham gia vào lĩnh vực TTX, TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm NLTT - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho rằng: Để thu hút DNNNN tham gia vào lĩnh vực TTX nói chung và NLTT nói riêng, Chính phủ cần chú ý hơn đến cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với khu vực tư nhân.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thực tế thời gian qua có sự bùng nổ của khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực NLTT, nhưng những cơ chế chia sẻ rủi ro hiện nay vẫn chưa được quan tâm, nên rủi ro hoàn toàn nằm ở phía doanh nghiệp tư nhân, trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân lại chịu các chi phí về tài chính cao hơn doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước có thể vay vốn được 10-12 năm, nhưng DNNNN chỉ có thể vay được 4-5 năm. Nên rủi ro với khu vực DNNNN cao hơn, cần có cơ chế chia sẻ để tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn, có như vậy mới thu hút được khu vực DNNNN tham gia tích cực hơn vào TTX, NLTT.
Doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các hoạt động hướng đến mục tiêu TTX sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế theo mục tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, vừa thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược TTX và các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. |