Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Phát triển năng lượng tái tạo cần hài hoà lợi ích Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về năng lượng tái tạo |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Liên quan đến những vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những giải trình cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện Mặt Trời cũng như việc nhập khẩu điện từ nước ngoài.
Cơ chế giá điện năng lượng tái tạo là phù hợp thực tiễn
Tại buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước vào chiều 1/6, về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết điện gió, điện Mặt Trời phát triển khá nhanh ở nước ta trong thời gian gần đây do nhu cầu điện tăng nhanh, cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước khá hấp dẫn.
Tiết lộ thông tin Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện Mặt Trời, tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng có một số nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải lưu trữ điện.
Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, ông Diên khẳng định phải có một nguồn điện nền ổn định.
“Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền bởi vậy dù có đắt hơn, phát thải cacbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế, thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện,” người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Nhìn nhận than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp, được thị trường thế giới ấn định giá, ông Diên cho biết những năm qua, do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá thành điện năng, dầu và khí thường cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải.
Trong khi đó, điện gió Mặt Trời không tốn tiền mua, giá thành điện năng chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị, tuy nhiên, công nghệ thế giới phát triển nhanh nên giá thành công nghệ giảm đi hàng năm trung bình từ 6-8%, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.
Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, cơ sở pháp lý là căn cứ vào Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ, Bộ Công thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của 102 nhà máy điện Mặt Trời, 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế-xã hội trong nước.
Giải pháp để xử lý lãng phí nguồn năng lượng tái tạo
Về việc xử lý các dự án điện gió, điện Mặt Trời không đủ điều kiện áp dụng khung giá cơ chế khuyến khích ưu đãi (giá FIT), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thể phủ nhận lãng phí khi hàng chục dự án điện gió, điện Mặt Trời được đầu tư mà chưa được khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, để không lãng phí nhưng tuân thủ đúng pháp luật hiện hành, ông bày tỏ quan điểm rất cần có chủ trương của cấp có thẩm quyền, sự chấp nhận và nỗ lực của các chủ đầu tư và vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, bởi hầu hết các chủ đầu tư dự án nêu trên đã chạy đua với thời gian để hưởng giá FIT nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành, thậm chí là vi phạm các quy định pháp luật chuyên ngành.
“Chính sách giá FIT đã hết thời hiệu được thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ chứ không phải là dừng đột ngột thì đương nhiên không thể được áp giá FIT mà phải theo quy định của Luật Giá, Luật Điện lực và các Nghị định có liên quan,” Bộ trưởng Công Thương nói.
Trên cơ sở đàm phán để chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, hiện cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng không đủ điều kiện hưởng giá FIT với tổng công suất là 4.736MW.
Những cột điện gió tại địa bàn huyện Bắc Bình. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN) |
Để có thể huy động công suất của các dự án này, tránh lãng phí, căn cứ Luật Giá, Luật Điện lực và các Nghị định có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15, Quyết định 21 quy định phương pháp xác định khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Bộ cũng có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư thực hiện, chỉ đạo hướng dẫn EVN khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư thỏa thuận thống nhất giá điện để sớm đưa dự án này vào vận hành.
Qua nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại của Bộ Công Thương với các chủ đầu tư, EVN, đến ngày 31/5 đã có 59/85 nhà máy với công suất 3.389MW chiếm 71,6% số dự án đã nộp hồ sơ đến EVN, trong đó 50 dự án đang được đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục. Hiện còn 26 nhà máy với công suất 1.346MW chiếm 28,4% số dự án vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN với lý do không muốn đàm phán với EVN trong khung giá được Bộ Công Thương ban hành vì cho là thấp; có thể chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về chuyển tải điện.
Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho chủ trương và cơ chế tháo gỡ để bộ, ngành địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề trên, tránh lãng phí nguồn lực bức xúc trong xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân thực thu nhiệm vụ này không bị xem là vi phạm pháp luật.
Đối với vấn đề nhập khẩu điện của Việt Nam, theo ông Diên, chủ trương mua bán điện nước ngoài được quy định tại Luật Điện lực và các nghị định có liên quan, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng an ninh của Việt Nam đối với các nước láng giềng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống và được xác định trong quy hoạch điện lực quốc gia trong từng thời kỳ.
Nguồn điện nhập khẩu điện đã thực hiện với Trung Quốc từ năm 2010, với Lào từ năm 2016, tuy nhiên tỷ lệ nhập khẩu điện rất nhỏ chỉ với 572MW, bằng 0,73% công suất. Trong khi đó, hệ thống chuyển tải từ nhà máy điện trong nước ra các khu vực biên giới chưa đồng bộ, chưa thuận lợi bằng hệ thống điện của nước bạn đến biên giới của 2 nước.
“Nhập khẩu điện, kết nối lưới điện và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực là cần thiết nhằm đa dạng hóa loại hình nguồn điện, nhất là điện nền để trong tương lai chúng ta có thể khai thác phát triển năng lượng tái tạo trong khi chưa có nguồn điện nền khác thay thế,” ông Diên nói./.