Kiểm toán nhà nước: Nhiều lỗ hổng trong quản lý, sử dụng vốn Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp Bổ nhiệm lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Tăng hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ngày 11/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/8 |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Lý do của việc đề nghị đưa luật vào chương trình, theo Bộ trưởng Lê Thành Long nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Về nội dung các chính sách của đề nghị xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, có 4 chính sách lớn như: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.
Trong đó, về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp: Quy định cụ thể khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ sở hữu (nhà nước) tại doanh nghiệp. Quy định cụ thể nguồn lực, quy trình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và hình thức, phạm vi đầu tư vốn nhà nước.
Nội dung đầu tư vốn nhà nước bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhằm củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế như năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghệ lõi…
Về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc chung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa, bán, thoái vốn.
Chẳng hạn như: Giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm; việc bán cổ phần, thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa lợi ích kinh tế - xã hội cho nhà nước; doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán….
Đồng thời, thể chế hóa cụ thể nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đối với thoái vốn, bãi bỏ phương thức “chào bán cạnh tranh”; giá khởi điểm phải do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định.
Bổ sung các trường hợp chuyển giao thực tế phát sinh trong thời gian qua; quy định nguyên tắc chuyển giao theo hướng tách bạch giữa chuyển giao có thanh toán và chuyển giao không thanh toán, việc chuyển giao không thanh toán (điều chỉnh tăng, giảm vốn) chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm dịch vụ công, các công ty nông, lâm nghiệp và các lĩnh vực khác (độc quyền) theo quy định của Chính phủ (điện lực, dầu khí...).
Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Quy định cụ thể nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cũng tán thành với Tờ trình của Chính phủ về bổ sung và quy định rõ đối tượng áp dụng của Luật gồm doanh nghiệp do tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, đề nghị rà soát để quy định cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, các yêu cầu đặc thù (nếu có) đối với từng loại hình doanh nghiệp nêu trên trong dự thảo Luật và bảo đảm sự thống nhất giữa các tài liệu trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về nội dung này.
Tại sao cổ phần hoá mấy năm nay vẫn “đóng băng”?
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa luật là vấn đề cấp bách vì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát 2 lần về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng đều đề cập. Khi thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước cũng nói đến.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo luật lần này chuẩn bị chưa kỹ, chính sách chưa rõ ràng. Nhiều “đại sự” chưa thấy nêu trong luật như vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã có vài Nghị định nhưng tại sao cổ phần hoá mấy năm nay cứ “đóng băng”?, vậy có “luật hoá” từ Nghị định thành luật hay không, hay vấn đề đất đai sau cổ phần hoá, nhà đầu tư chiến lược.
Đây là vấn đề “nói chán nói chê” mà không thấy đề cập trong luật này. Đồng thời cần bổ sung tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhắc lại hôm qua (10/8) trong bản tin chung của lãnh đạo cấp cao đã nhắc đến khẩn trương đánh giá kết luận của Bộ Chính trị về hiệu quả hoạt động của Uỷ ban quản lý vốn tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương sửa luật này là cấp thiết và đồng ý chủ trương cần phải khẩn trương hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét lần một vào kỳ họp thứ tư, tháng 5/2023 và thông qua lần hai vào kỳ 5, tức là tháng 10/2023 và cần phải bổ sung vào chương trình để thông qua luật này trong năm 2023.
Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới và xong lúc nào thì Ủy ban thường vụ xem xét lúc đó.
Hồ sơ phải bảo đảm bám sát Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ; Kết luận 19 của Bộ Chính trị phải ưu tiên chất lượng, không chạy theo số lượng mà phải kỹ, phải rõ, phải đúng thì mới đưa vào; Nghị quyết 12 TW5; Nghị quyết 60/2018 Quốc hội khóa 14; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình hoàn chỉnh thì cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, bảo đảm yêu cầu là kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng và Quốc hội, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đất đai, quản lý quỹ, đổi mới và phát triển doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan.
Tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan. Bảo đảm không trùng lặp trong điều chỉnh pháp luật nhưng cũng không để trống các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh.