Thứ bảy 19/04/2025 16:25
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023)

Chuyện về người chính trị viên đầu tiên của quân đội ta

Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.

Đội quân chủ lực đầu tiên do đồng chí Hoàng Sâm là Đội trưởng và đồng chí Dương Mạc Thạch là Chính trị viên của Đội.

Cách đây 79 năm, một ngày trước lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được Chỉ thị của Bác Hồ về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nêu rõ: “Tên: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một Đội tuyên truyền…”.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh: Tư liệu

Ngày 22/12/1944, vào lúc 17 giờ, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trong khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Các đồng chí! Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này” [1].

Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, công tác chính trị, tuyên truyền đã được Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đặc biệt quan tâm và công tác này được Chính trị viên Dương Mạc Thạch trực tiếp chỉ đạo.

Đồng chí Dương Mạc Thạch

Đồng chí Dương Mạc Thạch (còn có tên là: Dương Xích Thắng, Dương Mạc Cam) là người dân tộc Tày, sinh năm 1915 trong một gia đình ở khu Nam Sơn nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tất cả các thành viên trong gia đình đồng chí đều tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Bản thân đồng chí Dương Mạc Thạch tham gia cách mạng từ năm 1934, cùng năm này đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và là Đảng viên đầu tiên của huyện Nguyên Bình.

Năm 1940, tổ chức Đảng phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp vào Minh Tâm công tác với danh nghĩa thầy đồ người Kinh lên đây dạy học. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc đó lấy tên thường gọi là “Thầy giáo Văn”.

Theo hồi ức của đồng chí Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng (là con trai của đồng chí Dương Mạc Thạch) thì gia đình đồng chí Xích Thắng được đón đồng chí Võ Nguyên Giáp ăn Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ (1942). “Sáng mùng một Tết, thầy giáo Văn mượn bộ đồ cưới của cha tôi, đóng bộ, xuất hành về hướng Nam. Đi được một lúc, ông quay về gọi cha mẹ tôi ơi ới. Ông bà tưởng có chuyện gì vội chạy xuống, thấy thầy giáo Văn hớn hở, vẻ mặt lộ niềm vui, nói: "Xích Thắng ơi, chị Đại ơi, cách mạng nhất định thắng lợi! Rồi ông nhắc lại: Cách mạng nhất định thắng lợi... Cái Tết dù trong hoàn cảnh bí mật, đồ ăn thức uống đạm bạc, lại chỉ có ba người ăn Tết với nhau, nhưng mẹ tôi bảo sao mà vui thế, ấm cúng thế, yên lành thế. Hai ông lại đi không một lời dặn lại. Lần này hai ông đi biền biệt. Có lúc mẹ tôi thấy lo lắng trong lòng, đi hoạt động ở nơi khác, cơ sở họ có chăm sóc hai ông được tốt không nhất là thầy giáo Văn, sức khỏe vốn hơi yếu lại lạ nước lạ cái".

Đến sau này cách mạng công khai, nhân dân theo cách mạng đánh đuổi Nhật, trừng trị bọn Việt gian phản động giành chính quyền, mẹ tôi gặp ai cũng hỏi tin tức về hai ông. Bà chỉ nhận được câu trả lời là cứ yên tâm, các ông vẫn sống, mạnh khỏe, bận công tác lắm. Còn đang làm gì và ở đâu thì chẳng ai trả lời được.

Sau này gia đình mới được biết thầy Văn rời nhà tôi thì vào hoạt động ở Tam Kim. Cha tôi cùng thầy giáo Văn và tổ chức, vạch kế hoạch Nam tiến theo chỉ thị của Bác Hồ. Sau đó cha tôi và một số đồng chí nữa tổ chức thành một đoàn Nam tiến xuống vùng Cốc Đán (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Thầy giáo Văn tổ chức một đoàn Nam tiến khác đông hơn, đi sâu xuống Bắc Kạn. Các đoàn Nam tiến của hai ông đều gặp rất nhiều nguy hiểm, khó khăn, thử thách do địch luôn bám sát, theo dõi, bao vây phục kích… nhưng các đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ. Phong trào cách mạng từ Cao Bằng đã lan xuống Bắc Kạn và nối với miền xuôi.

Chỉ thị của Bác Hồ về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Bác Hồ. Bác Văn là người lãnh đạo trực tiếp của Đội. Cha tôi vinh dự được chọn, được đứng trong hàng ngũ của Đội, lại còn được giao trọng trách là Chính trị viên của Đội. Đội ngũ cán bộ cách mạng rất đông đảo, nhiều người cũng đủ tài năng, đức độ. Sao tổ chức lại chọn ông - Xích Thắng, cha tôi để giao nhiệm vụ này? Tổ chức chắc chắn đã cân nhắc kỹ, bên cạnh đó Bác Văn, người đã cùng hoạt động, dìu dắt cha tôi, hiểu được cha tôi, tin tưởng giao nhiệm vụ đó cho cha tôi.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp), Chính trị viên Xích Thắng cùng Đội trưởng Hoàng Sâm đã chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân giành được 2 chiến thắng quan trọng đầu tiên tại Phai Khắt và Nà Ngần (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vào cuối năm 1944. Sau đó, chính trị viên Xích Thắng cùng với Đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy Đội đánh thắng trận Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) - một đồn Pháp có hệ thống phòng thủ khá vững chắc vào ngày 5/2/1945.

Đầu năm 1945, khi Đội phát triển thành nhiều đại đội, đồng chí Xích Thắng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một đại đội hoạt động dọc đường 3b, vừa vũ trang tuyên truyền, vừa chặn đánh quân Nhật ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng...

Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử ở Cao Bằng và Bắc Kạn thì đồng chí Dương Mạc Thạch luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm. Không chỉ giỏi về quân sự, đồng chí còn có tài vận động thuyết phục quần chúng. Khi tiến về Bắc Kạn, đồng chí đã làm công tác địch vận ở xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn thành công. Ở đó, người Hoa kiều rất nhiều. Họ thành lập một đơn vị tự vệ, lúc Pháp mạnh thì theo Pháp, lúc Nhật mạnh, họ lại theo Nhật. Đồng chí Thạch đưa thêm 2 chiến sĩ là người to khỏe, bắn súng giỏi cùng đi tới gặp ông trùm người Hoa nói chuyện. Tên này ra tận cổng làng gặp đồng chí Thạch, hai bên là hai hàng lính bảo vệ. Bọn chúng yêu cầu đồng chí Thạch để súng ở ngoài, không cho mang theo vào trong nhà. Đồng chí Thạch đồng ý và dặn 2 chiến sĩ đi cùng mình không được phản ứng. Với tâm thế đĩnh đạc, trước hai hàng lính của ông trùm người Hoa, đồng chí Dương Mạc Thạch bảo rằng: “Bạn sang Việt Nam làm ăn lâu rồi. Thời thế thế nào thì phải theo thế. Bây giờ Việt Minh mạnh, Nhật, Pháp yếu rồi. Theo Việt Minh là con đường sống. Bằng này quân của ông không làm gì được Việt Minh đâu. Việt Minh đánh tới nơi rồi”.

Sau một hồi nói chuyện, trùm người Hoa đồng ý theo Việt Minh. Hắn nói: “Việt Minh cần lương thực gì, tôi sẽ lo cho. Rồi chính trùm người Hoa dẫn ông Thạch ra tận chỗ để súng, lấy 3 khẩu súng mới tặng cho ông”.

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Dương Mạc Thạch đã trải qua nhiều cương vị khác nhau: Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Bắc Kạn; Trưởng phòng Quốc dân miền núi của Liên khu I; Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Yên Bái; Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Phó Bí thư tỉnh ủy Hà Giang. Đầu năm 1970, đồng chí Dương Mạc Thạch được điều về làm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái. Đến tháng 8/1978 đồng chí được nghỉ hưu và từ trần 1 năm sau đó.

--------------

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 89.

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ
Bài viết cùng chủ đề: Quân đội nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Bình Thuận khánh thành 2 dự án giao thông chiến lược

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2025)

Chủ tịch Quốc hội: Có thể miễn học phí cho hệ dân lập, tư thục

Chính phủ 'chốt' thời gian khởi công, khánh thành công trình trọng điểm

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 3 - Người nổi tiếng và trách nhiệm khi quảng cáo

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ góp tiếng nói thúc đẩy đàm phán sớm đạt kết quả

Thủ tướng:Sửa 5 luật, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế

Đề xuất giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử

Làm rõ nguyên nhân tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Đất Cuốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo động lực mới từ cải cách thể chế

Vì sao cần sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc?

Thủ tướng: Phong trào thi đua hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 mang lại hiệu quả cao

Pháp sẽ thúc đẩy EC gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với thủy hải sản của Việt Nam

'Thúc' tiến độ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Đẩy nhanh điều tra, sớm đưa ra kết luận vụ thuốc giả

Doanh nghiệp nhà nước phải có cơ chế trả lương như tư nhân

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh điều tra vụ sữa giả

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 2 - Tự công bố và hậu kiểm lỏng lẻo - kẽ hở chết người!

Chính sách tiền lương cán bộ cấp xã, hoàn thành trước 30/7

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế phát triển trung tâm tài chính quốc tế