Bắc Giang: Phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế cho người dân Làng hoa lan Vi Rơ Ngheo: Bảo tồn văn hoá dân tộc Xơ Đăng để phát triển kinh tế du lịch |
Trăn trở ở khu bảo tồn
Ít ai biết rằng, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (thuộc địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện một mô hình du lịch cộng đồng do cán bộ kiểm lâm triển khai với những lý do rất đặc biệt.
Cán bộ kiểm lâm đó là anh Phạm Tiến Thịnh (sinh năm 1983, quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình). Từ nhỏ, anh Thịnh đã theo bố mẹ bố lên sinh sống và làm việc tại Yên Bái. Hiện nay anh Thịnh đang công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên và đã đưa cả gia đình lên địa phương sinh sống. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Thịnh đã có 13 năm công tác trong ngành kiểm lâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh cho biết, anh đã được đào tạo chuyên về phân loại, nghiên cứu và bảo tồn các loài cây thuốc quý của Việt Nam. Do đó, niềm đam mê với núi rừng, với dược liệu đã ngấm vào trong máu thịt anh từ nhỏ.
Với niềm đam mê về ngành lâm học, dược liệu, tháng 11/2018, anh Thịnh đã tình nguyện lên Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu để công tác để có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn.
Cán bộ kiểm lâm Phạm Tiến Thịnh trong lần đi rừng |
Lúc mới lên Nà Hẩu, anh Thịnh cảm thấy cô đơn vì một mình ở giữa rừng, xung quanh chỉ thưa thớt vài ngôi nhà nhỏ. Lúc đó cuộc sống vô cùng khó khăn khi thiếu điện, thiếu chợ và thiếu thốn đủ đường. Được biết, nhiều cán bộ kiểm lâm lên công tác chỉ mong muốn xin chuyển về nhưng anh Thịnh vẫn cố bám trụ. Đến nay, anh Thịnh đã 5 năm gắn bó với Nà Hẩu.
Chia sẻ về công việc, anh Thịnh bộc bạch rằng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích rộngg, nằm xen kẽ khu dân cư có người dân sinh sống nên rất là khó quản lý. Trong khi lực lượng kiểm lâm địa bàn chỉ có 2 người phải quản lý diện tích vùng lõi khu bảo tồn 5.000 ha.
Quá trình công tác tại địa phương, anh Thịnh chứng kiến cảnh người dân mùa đông không đủ ấm, bà con phải khai thác gỗ cây để sưởi; không có công việc ổn định họ phải vào rừng khai thác gỗ, khai thác lâm sản để bán lấy tiền, khiến anh trăn trở rất nhiều.
Với chức năng nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm, anh và đồng nghiệp vẫn phải dốc hết sức để ngăn chặn hành vi phá rừng trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thật đau xót khi những người chặt phá rừng hay tiếp tay cho lâm tặc lại là bà con dân bản. Nhưng về trách nhiệm, kiểm lâm và lực lượng chức năng vẫn phải xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí truy tố nhiều trường hợp vi phạm. Sau khoảng 3 năm, lực lượng kiểm lâm mới trấn áp được các đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Cán bộ kiểm lâm và những người dân bản địa |
Chứng kiến cảnh khốn khó của người dân, cán bộ kiểm lâm càng cảm thông với những khó khăn của bà con. Do đó, anh Thịnh và bạn bè thường xuyên thực hiện công tác làm từ thiện như: Xin quyên góp chăn màn, quần áo, cặp, sách vở, bút, dầu ăn, mắm muốn... để phần nào giúp bà con vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Sau đó, anh Thịnh nhận thấy, những biện pháp răn đe, sự hỗ trợ ban đầu cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Do đó, để thay đổi cuộc sống người dân phải tìm hướng để người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, từ đó họ không khai thác gỗ nữa mà còn ý thức bảo vệ thiên nhiên. Và, phát triển du lịch cộng đồng bản địa là hướng đi đúng đắn nhất.
Làm du lịch cộng đồng để bảo tồn thiên nhiên
Sau nhiều thời gian trăn trở, anh Thịnh đã tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên và văn hóa bản địa, vận động bà con dân tộc cùng phát triển du lịch cộng đồng. Anh Thịnh và nhiều bạn bè đã đứng ra lập Hợp tác xã Dược Liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh để người dân đứng ra triển khai. Hiện, thành viên có hơn 40 người, trong đó có dân tộc H'Mông, dân tộc Dao ở Làng Bang.
Cảnh sắc thanh bình của bản làng ở Nà Hẩu |
Thời gian đầu, để vận động người dân tham gia hợp tác xã cũng gặp nhiều khó khăn. Đa số người dân vẫn giao tiếp bằng tiếng bản địa nên việc vận động cũng phải được truyền tải bằng tiếng H'Mông, tiếng Dao. Bên cạnh đó, cái khó nữa là về phong tục, tập quán của người H'Mông là họ không muốn trai gái, vợ chồng người lạ ngủ cùng nhau tại nhà mình.
Lúc đầu, anh Thịnh cũng chỉ dựng "farmstay" để khách lưu trú tại đó. Sau một thời gian, du khách lên đông hơn, họ thấy cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành nên đã quay trở lại. Khi phát hiện ra một số hang động, thác nước đẹp anh Thịnh đã lấy điện thoại chụp ảnh chia sẻ trên mạng xã hội nên được nhiều người biết và tìm đến khám phá. Do đó, hợp tác xã đã tổ chức dẫn khách du lịch đến thăm quan và ngắm những cảnh sắc thiên nhiên đó.
Những thạch nhũ đẹp trong hang động ở Nà Hẩu |
Sau khi thấy cán bộ triển khai có hiệu quả, người dân cũng nhận ra tác dụng của mô hình du lịch cộng đồng có thể giúp cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.
Sau khi được cán bộ địa phương, lực lượng kiểm lâm vận động, người dân cũng đồng ý tham gia hợp tác xã. Theo đó, chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ dân khoảng 50 triệu đồng đối với gia đình có nhà để cho du khách ở. Những ngôi nhà lưu trú cho khách du lịch vẫn rất nguyên sơ, chỉ quét dọn sạch sẽ và sắm thêm chăn màn, đồ dùng phục vụ sinh hoạt của du khách. Hiện tại đã có 9 hộ làm dịch vụ lưu trú tại địa phương.
Hàng quán bên đường |
Theo anh Thịnh, vì nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên, dân cư thưa thớt nên việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn một số hạn chế. Phần lớn ở trong khu bảo tồn này thì chủ yếu là đất lâm nghiệp nên để đăng ký về dịch vụ lưu trú là rất khó. Nhiều nhà đầu tư có nguyện vọng quy hoạch hay xây dựng khu nghỉ dưỡng khang trang hơn nhưng lại gặp khó khăn về việc làm sao để không làm biến đổi hiện trạng cảnh quan. Trong quá trình phát triển cũng cần hạn chế bê tông hóa, tránh làm mất đi giá trị văn hóa vốn có của địa phương.
Bên cạnh đó, khó khăn nữa là thiếu nhu yếu phẩm. Thực phẩm chủ yếu là tự cung tự cấp, thậm chí điện cũng chỉ đủ để thắp sáng. Do đó, khu vui chơi vào buổi tối gần như chưa có khi phong tục tập quán của người dân địa phương là 7-8h tối đã đi ngủ. Do đó, thời gian tới, hoạt động đốt lửa trại, nhạc cụ dân tộc cũng cần được tính đến.
Bù lại, nơi đây lại có cảnh quan rất hoang sơ, hùng vĩ và những sản vật địa phương phong phú. Do đó, khi du khách đến đây sẽ được thưởng thức khí hậu an lành, được ngắm thiên nhiên tươi đẹp và thưởng thức ẩm thực dân dã, lạ miệng và hấp dẫn như: Rau rừng, cá suối, ốc suối, gà chạy bộ...
Thác nước trong vắt |
Du khách thỏa thích với dòng nước mát lạnh |
Du khách tắm suối dưới chân thác nước |
Người dân bản địa đang làm đồng |
Ngoài ra, khi đến với Hợp tác xã Dược Liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh, du khách còn được trải nghiệm tại "farm" giáo dục giá trị cộng đồng như: thăm quan, tìm hiểu về cây thuốc dân tộc cũng như những phương pháp chăm sóc sức khỏe của người dân bản địa được lưu truyền nhiều đời nay. Tại đây có những sản phẩm từ các loại thảo dược được du khách đánh giá cao như: Tinh dầu và cao trị đau nhức mỏi vai gáy, tê bại chân tay, viêm khớp cấp viêm đa khớp, viêm dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm...
Theo anh Thịnh, vài năm gần đây lượng du khách tìm đến Nà Hẩu ngày càng đông. Đặc biệt trong những ngày lễ hội, Tết Rừng, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thì lượng khách đông đột biến. Cụ thể, đợt Tết Rừng (ngày cuối cùng tháng 1 âm lịch) có khoảng 5-6 nghìn du khách và dịp 30/4 - 1/5 cũng khoảng 3-5 nghìn người. Đáng chú ý, có những du khách đến Nà Hẩu 32 lần trong khoảng thời gian 2 năm.
Theo anh Thịnh, từ khi biết làm du lịch, cuộc sống của người dân đã dần thay đổi nhiều hơn. Người dân địa phương thay vào việc ngày xưa đi làm cửu vạn gỗ, giờ họ làm xe ôm đưa đón khách; thay vì săn bắt, hái lượm thì họ tăng gia sản xuất, chăn nuôi để có nguồn cung cấp ẩm thực ổn định cho du khách...
Quan trọng hơn, nhờ có du lịch những thảm thực vật phong phú vẫn được lưu giữ trong khu bảo tồn vẹn nguyên. Trong rừng có nhiều cây gỗ quý như táu, sồi, pơ mu...
Những cây gỗ quý vẫn tồn tại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu |
Nhờ có những giá trị thiên nhiên, mồ hôi công sức của cán bộ kiểm lâm, sự lãnh đạo của chính quyền địa phương và sự đồng hành của người dân, Nà Hẩu đang từng ngày biến thành khu du lịch thiên nhiên kết hợp văn hóa bản địa được nhiều du khách tìm đến.