Chuyển mạng giữ số đã sẵn sàng |
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ bắt đầu triển khai. Theo kế hoạch của bộ TT&TT kể từ ngày 16/11/2018 các nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone, Viettel sẽ triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số đối với thuê bao trả sau. Sau 3 tháng sẽ áp dụng với toàn bộ thuê bao trả trước.
Tính đến thời điểm này, đại diện 3 nhà mạng lớn đều khẳng định đã sẵn sàng về hạ tầng, phần mềm và kênh bán hàng để khởi chạy dịch vụ này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện VinaPhone cho biết, về cơ bản hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm tính cước, kênh bán hàng, đào tạo đội ngũ… sẵn sàng phục vụ khách hàng thực hiện chuyển mạng giữ số. VinaPhone cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo dịch vụ chuyển mạng giữ số nội bộ nhằm hướng dẫn và cập nhật các quy trình về chuyển mạng giữ số của Bộ Thông tin truyền thông, đảm bảo việc vận hành dịch vụ được diễn ra thông suốt đến từng điểm cơ sở, đồng thời giảm thiểu tối đa thời gian chuyển đổi mạng cho các khách hàng có nhu cầu.
Nhà mạng này cũng nói thêm, các khai báo định tuyến với các nhà mạng trong nước và đàm phán giữa các nhà mạng về cước chuyển tiếp cuộc gọi MNP đối với dịch vụ Roaming (Chuyển vùng Quốc tế) đang được gấp rút hoàn thành, sẵn sàng phục vụ các thuê bao trả sau có nhu cầu chuyển mạng từ ngày 16/11.
Tuy vậy, đến thời điểm này, Bộ TT&TT vẫn chưa công bố lệ phí kho số, cước hòa mạng, quy trình cung cấp dịch vụ, phí chuyển mạng giữ số... Các nhà mạng cho biết đang chờ đợi các văn bản hướng dẫn cụ thể để sẵn sàng nhập cuộc với sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở hạ tầng dịch vụ.
Trước đó, vào cuối tháng 8 năm nay, tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số, các mạng di động đề nghị xem xét mức phí rời mạng dự kiến là 60.000 đồng và chuyển đến là 60.000 đồng.
Trong Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số, đối với việc chuyển mạng giữ số, doanh nghiệp chuyển đi chỉ được từ chối thực hiện chuyển mạng đối với thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng tại Doanh nghiệp chuyển đến không chính xác so với thông tin của thuê bao đó tại Doanh nghiệp chuyển đi, tức không đúng với thông tin trên giấy tờ tùy thân.
Đồng thời, cá nhân hoặc doanh nghiệp vi phạm các hành vi quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông hoặc theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đang có khiếu nại, tranh chấp về việc sử dụng dịch vụ đối với Doanh nghiệp chuyển đi; Vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc điều kiện giao dịch chung với Doanh nghiệp chuyển đi đều bị từ chối thực hiện chuyển mạng giữ số.
Bên cạnh đó, cá nhân hoặc doanh nghiệp có thể thể hủy chuyển mạng kể từ thời điểm đăng ký dịch vụ chuyển mạng đến trước thời điểm nhận được thông báo lịch chuyển mạng từ Trung tâm chuyển mạng. Thời điểm này, thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng có thể hủy chuyển mạng bằng một trong các hình thức như yêu cầu với Doanh nghiệp chuyển đến tiếp nhận yêu cầu hủy chuyển mạng của thuê bao (tại điểm giao dịch, điện thoại, tin nhắn,…) hoặc nhắn tin trực tiếp đến số 1441. Doanh nghiệp chuyển đi, Doanh nghiệp chuyển đến chỉ được dừng thực hiện quá trình chuyển mạng khi nhận được yêu cầu hủy chuyển mạng từ Trung tâm chuyển mạng.
Thông tư cũng quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất có trách nhiệm thống nhất, công bố, niêm yết công khai, áp dụng chung mức cước và các điều khoản sử dụng dịch vụ chuyển mạng.
Các nhà mạng cũng cho biết dịch vụ này khởi chạy vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thu hút thêm khách hàng mới, cùng với nỗ lực cải tiến nhằm giữ chân các khách hàng hiện tại. Các nhà mạng phải liên tục tung ra các gói cước ưu đãi, cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng, đa dạng hoá chương trình khách hàng thân thiết… cùng với các chuẩn bị về mặt hạ tầng và con người, để chiếm lợi thế.