Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào khi có tên trong “Danh sách xám”? Kinh tế Việt Nam: Triển vọng 2 tháng cuối năm |
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow”, các diễn giả đã cùng nhau phân tích bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm mới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024). (Ảnh: Đại Việt) |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, động lực đầu tiên để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024 chính là xuất khẩu.
Trong tháng 10/2023, xuất khẩu đã tăng hơn 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp giảm xuống, đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Nhiều hãng tàu vận chuyển cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu đang tốt lên. Trong tháng 11 và tháng 12/2023, xuất khẩu sẽ có sự “bứt tốc” mạnh mẽ.
Theo ông Thành, bước sang năm 2024, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 5 – 7% và không bị âm như năm 2023. Điều này có thể đạt được nhờ việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ phục hồi. Bên cạnh đó, nếu kinh tế Trung Quốc khởi sắc cũng sẽ tạo thêm động lực cho Việt Nam xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa sang thị trường này.
Động lực thứ hai đến từ giải ngân vốn đầu tư công. Đây là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, tác động của vốn đầu tư công thường có độ trễ khoảng 5 tháng.
“Trong quý 1 thì gần như sẽ không giải ngân được. Đến quý 2 chuẩn bị thì tới quý 3 và quý 4 mới là lúc tiền ra. Do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay và đầu năm sau”, ông Thành nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. (Ảnh: Đại Việt) |
Cũng theo ông Thành, sắp tới Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Tuy nhiên, năm sau sẽ không có "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỷ USD. Thế nhưng, đây vẫn là một con số rất lớn.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng nhận định, xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở lại tạo “cú hích” cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% thì đây cũng sẽ là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Thành đánh giá, ở Việt Nam, những chính sách cho từng đối tượng sẽ khó giải ngân nhưng giảm thuế sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Bên cạnh đó, đồng USD không lên giá mạnh sẽ hạn chế việc gây áp lực đến chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ mở rộng.
Ông Thành cho rằng, lãi suất đã chạm “đáy” nhưng nếu duy trì được mức lãi suất thấp trong cả năm 2024 thì đây sẽ là tín hiệu tích cực để phát triển kinh tế.
Còn theo ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank, hiện nay không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất cho vay có độ trễ hơn lãi suất tiền gửi. Lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm 2023 và sang quý 1/2024. Còn sau đó rất khó để đưa ra dự báo trong thời gian dài, tùy thuộc vào biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.
Ông Nam nhận định, hiện tại, các ngân hàng thương mại đều “thừa” thanh khoản. Tuy nhiên, khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn kết hợp với môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu giải ngân vốn tín dụng sẽ gia tăng.
Theo các diễn giả, trong điều kiện bình thường, NHNN sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì NHNN buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được.
Thị trường chứng khoán cũng là kênh đầu tư được các diễn giả và nhà đầu tư quan tâm tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024. Thị trường này được đánh giá là có nhiều triển vọng nhờ những động lực chính sẽ tác động vào nền kinh tế.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian tới nhờ lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ...
UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Cụ thể, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế; phối hợp với các tổ chức liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.
Đồng thời, UBCKNN sẽ giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK. Đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường. Xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.
UBCKNN cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.