Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thử bàn giải pháp ổn định giá xăng dầu hiện nay Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Tiêu dùng xanh để phát triển bền vững |
Thưa ông, 19h tối qua 30/1, Bộ Công Thương đã chủ động xin ý kiến Chính phủ điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến (1/2). Ông đánh giá gì về nỗ lực này của Bộ Công Thương trong bối cảnh nhiều cây xăng đóng cửa thời gian qua vì doanh nghiệp thua lỗ?
Tôi đánh giá cao việc Bộ Công Thương chủ động xin ý kiến Chính phủ để rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú |
Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, thời gian qua, vấn đề chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ khiến doanh nghiệp xăng dầu lỗ nặng, chiết khấu âm kéo dài. Đây cũng là lý do khiến thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, một số cây xăng đã tạm dừng bán hàng. Việc này tuy chưa gây gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng, song cũng gây lo lắng cho người dân.
Do đó, việc giá xăng dầu được điều chỉnh sớm hơn 2 ngày là động thái tích cực và linh hoạt của cơ quan điều hành, giúp bù đắp một phần chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn trước mắt khi chi phí chưa được tính đúng tính đủ.
Bên cạnh đó, khi thị trường xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, việc tăng giảm giá có nhiều yếu tố khó lường thì tôi nghĩ rằng nên rút ngắn thời gian điều hành xuống còn 5-7 ngày, không tính thời gian nghỉ lễ để giá xăng dầu theo kịp giá thị trường.
Giá xăng dầu đã được điều hành vào 19h ngày 30/1, sớm hơn 2 ngày so với dự kiến |
Đồng thời, tôi cho rằng việc tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu của Bộ Tài chính phải được rút ngắn, không phải là 6 tháng tính toán một lần như hiện nay để đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp hoạt động. Nếu để doanh nghiệp lỗ dài thì không thể hoạt động được.
Bên cạnh việc điều chỉnh giá xăng sớm 2 ngày, cơ quan điều hành đã nhất trí chi quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức cao (xăng E5RON92 ở mức 850 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít) nên giá xăng đã tăng thấp hơn 1000 đồng/lít so với dự báo ban đầu. Vậy ông nhận xét gì về vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua?
Không chỉ ở kỳ điều hành này mà từ trước đến nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã thực hiện rất đúng vai trò của mình ở vị trí là một cái van điều tiết giá. Khi giá xăng dầu lên xuống ở biên độ thấp, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp kiềm chế giá không tăng ở mức quá cao. Do xăng dầu là mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa nên việc kiềm chế giá xăng dầu có vai trò rất quan trọng trong kiềm chế CPI, đặc biệt trong thời điểm CPI có khả năng tăng cao trong thời gian Tết.
Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng nên chuyển Quỹ Bình ổn xăng dầu từ tiền sang hiện vật, tức là dự trữ xăng dầu quốc gia. Vì Quỹ bình ổn xăng dầu, dù có hiệu quả tương đối tốt, song nếu giá xăng dầu lên cao quá, như thời điểm năm 2022 là có khi đạt mức 32.000 đồng/lít xăng, thì Quỹ Bình ổn giá không có nhiều tác dụng. Trong khi đó, nếu có được nguồn dự trữ xăng dầu từ 3 – 6 tháng thì ta sẽ có được công cụ điều tiết thị trường tốt hơn khi có biến động mạnh như năm 2022 vừa qua.
Ngay trong dịp Tết, lực lượng quản lý thị trường đã ra quân xử lý nghiêm tình trạng một số cây xăng dừng bán hàng. Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường, giữu cho nguồn xăng dầu được thông suốt?
Việc lực lượng quản lý thị trường ra quân ngay trong dịp Tết, kiểm tra, lập biên bản, đồng thời minh bạch thông tin đến người dân là việc làm đáng được hoan nghênh, giúp đảm bảo quyền lợi cho người dân, duy trì ổn định thị trường xăng dầu trước, trong và sau Tết. Được biết, ngay sau Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường đã và đang tiếp tục triển khai việc kiểm tra kiểm soát thị trường. Đây là việc làm kịp thời vì thời điểm sau Tết, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất nhiều nên nhu cầu xăng dầu chắc chắn sẽ tăng lên.
Qua đợt kiểm tra này chúng ta cũng thấy hiệu quả lớn của mô hình tổ chức quản lý thị trường theo ngành dọc. Bởi lẽ chỉ địa phương mới nắm rõ được tình hình ở địa phương, lực lượng quản lý thị trường địa phương sẽ nắm rõ được tình hình kinh doanh xăng dầu ở địa phương mình, nơi nào nghỉ, nơi nào gián đoạn nguồn hàng… Do vậy, việc tổ chức mô hình theo ngành dọc giúp nắm bắt tốt tình hình thị trường, can thiệp kịp thời khi có gián đoạn.
Do đó, tôi cho rằng lực lượng quản lý thị trường cần bám sát, phối hợp tốt với địa phương hơn nữa. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm tra kiểm soát thị trường không chỉ với mặt hàng xăng dầu mà còn nhiều mặt hàng khác.
Xin cảm ơn ông!