Chuyên gia kinh tế: Cần phối hợp giữa các bộ, ngành để giải bài toán xăng dầu
Thưa chuyên gia, ông nhìn nhận thế nào về vai trò của các bộ ngành hữu quan trong công tác điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua?
Ở nước ta xăng dầu là mặt hàng vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính đặc thù. Việc bình ổn giá xăng dầu riêng và thị trường xăng dầu nói chung trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện biến động đột ngột của thị trường xăng dầu thế giới luôn là công việc cần đến sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cũng như lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan quản lý địa phương.
Trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương ở đây có thể nói đã được quy định rất rõ trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ cũng như Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Nói khác đi, trách nhiệm với thị trường xăng dầu là trách nhiệm của nhiều bộ ngành hữu quan đã được Chính phủ quy định một cách cụ thể.
Điều cần nói ở đây là sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương một mặt cần đồng bộ để bảo đảm giữ bình ổn giá, một mặt cần bảo đảm tính kịp thời.
Như đã nói ở trên, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất cũng như đời sống của người dân thế nên nếu không có được sự phối hợp đồng bộ có thể tạo ra những hệ quả gây bất ổn, làm tăng nguy cơ lạm phát cũng như phá vỡ mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được Quốc hội đề ra, đồng thời làm tăng các lãng phí xã hội.
Thực tế của thị trường xăng dầu thời gian qua cho thấy công tác điều hành cũng như phản ứng chính sách cần nhanh hơn, linh hoạt hơn, tránh cho được việc triển khai một số chính sách lẽ ra cần nhanh chóng song thực tế lại rất chậm. Cùng đó các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.
PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng |
Chuyên gia đánh giá như thế nào về vai trò của Bộ Công Thương trong công tác điều hành quản lý thị trường xăng dầu thời gian vừa qua?
Theo tôi, thời gian qua, đặc biệt trong thời gian cao điểm của dịch bệnh COVID-19, với vai trò điều hành quản lý của mình, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tham mưu cho Chính phủ liên quan đến công tác điều hành thị trường, giá xăng dầu và kế hoạch huy động, quản lý nguồn cung tập trung. Những nỗ lực này đã có được kết quả và có thể nói sẽ tiếp tục có những kết quả tốt.
Một điều cũng rất cần được nói ở đây là Bộ Công Thương đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối và khai thác đóng góp của các cơ quan, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp tình hình. Các nỗ lực và cố gắng lớn đó đã đem lại kết quả nhanh chóng.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là Bộ Công Thươnglà cơ quan đóng vai trò tiên phong và đầu mối kết nối và tập hợp cũng như thường trực đối diện với những biến động bất định, khó lường của thị trường xăng dầu thế giới.
Cũng cần nói thêm là việc điều hành giá xăng dầu đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó giá xăng dầu được khống chế cho nên không gây tăng giá cả cho các mặt hàng khác. Đây là điểm quan trọng trong công tác ổn định giá chung của Chính phủ và các địa phương.
Một vấn đề rất được quan tâm hiện nay là nhiều loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu đã không còn phù hợp với thực tế. Ý kiến chuyên gia về vấn đề này là như thế nào?
Tôi cho rằng trong bối cảnh thị trường xăng dầu quốc tế liên tục có những biến động như hiện nay, trong đó có không ít những biến động bất lợi, việc rà soát và đánh giá lại chính sách thuế, phí liên quan đến xăng dầu là cần thiết nhưng đi cùng đó phải được làm nhanh, tránh để chậm như thời gian qua.
Cùng đó cần tăng năng lực dự trữ xăng dầu trong nước, cải thiện năng lực dự báo biến động của thị trường để hướng tới những mối quan tâm phù hợp.
Cùng đó một công việc cần thiết khác là tham khảo thêm kinh nghiệm các nước nhưng cũng cần được đẩy nhanh, tránh để khi chính sách ban hành ra lại lạc hậu với thực tế.
Xin cảm ơn chuyên gia.