![]() |
- Pv: Anh có thể chia sẻ tổng quan về xu hướng ứng dụng AI trong báo chí hiện nay? Chuyên gia AI Trần Khánh Tư: Hiện nay, AI đã có những tác động rất rõ ràng trong lĩnh vực báo chí trên toàn cầu. Các hãng tin lớn như Reuters, Bloomberg, AP, New York Times đã sử dụng AI để hỗ trợ sản xuất nội dung, phân tích xu hướng tin tức, cá nhân hóa trải nghiệm người đọc và tối ưu hóa vận hành tòa soạn. Một số ứng dụng phổ biến của AI trong báo chí gồm: Tạo tin tức tự động: Bloomberg sử dụng hệ thống Cyborg để hỗ trợ phóng viên phân tích dữ liệu tài chính và viết nhanh các báo cáo thị trường. Associated Press cũng dùng AI để viết các bản tin thể thao và báo cáo tài chính; phân tích dữ liệu lớn: New York Times sử dụng AI để theo dõi xu hướng đọc báo của độc giả, từ đó đề xuất nội dung phù hợp. |
Tiếp đó, hỗ trợ chỉnh sửa nội dung: AI giúp phóng viên kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, thậm chí đề xuất tiêu đề hấp dẫn hơn dựa trên dữ liệu về tỷ lệ nhấp chuột (CTR); chống tin giả: AI có thể giúp kiểm tra nguồn tin, đối chiếu thông tin đa chiều để phát hiện nội dung sai lệch hoặc có dấu hiệu thao túng dư luận. Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí cũng đã bước đầu áp dụng AI, ví dụ như VTV đã thử nghiệm AI để tổng hợp tin tức nhanh hơn, báo điện tử Vietnamnet, Báo Công Thương… đã sử dụng AI để đề xuất bài viết phù hợp với thói quen đọc của từng độc giả. Tuy nhiên, AI vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của nhà báo bởi yếu tố cảm xúc, sự sáng tạo và góc nhìn mang tính nhân văn vẫn là điều AI không thể tái tạo được. |
![]() |
- Thưa anh, với các cơ quan báo chí như Báo Công Thương, AI có thể giúp gì trong việc nâng cao chất lượng nội dung và tối ưu hóa quy trình làm việc? Chuyên gia AI Trần Khánh Tư: Báo chí hiện đại không chỉ đơn thuần là viết bài, mà còn liên quan đến nghiên cứu xu hướng, tối ưu hóa SEO, cá nhân hóa nội dung, sáng tạo đa phương tiện và phân phối trên nhiều nền tảng. AI có thể hỗ trợ trong nhiều khâu: Một là, tự động hóa tin tức đơn giản: Với những dạng tin có cấu trúc cố định như báo cáo tài chính, thể thao, thời tiết, chứng khoán…, AI có thể tạo bản thảo nhanh chóng, giúp phóng viên có thêm thời gian để tập trung vào các bài phân tích sâu. Hai là, phân tích xu hướng độc giả: AI có thể quét hàng triệu dữ liệu để xác định xu hướng nào đang được quan tâm, từ đó gợi ý chủ đề bài viết phù hợp. Ví dụ, nếu Báo Công Thương muốn viết về xu hướng tiêu dùng xanh, AI có thể tổng hợp dữ liệu tìm kiếm, mạng xã hội, khảo sát thị trường để đề xuất các góc tiếp cận hấp dẫn. Ba là, tối ưu hóa SEO và đề xuất nội dung: AI có thể gợi ý cách đặt tiêu đề hấp dẫn, chọn từ khóa phù hợp để tăng khả năng xuất hiện trên công cụ tìm kiếm. Điều này đặc biệt quan trọng trong báo chí online, nơi cạnh tranh về thứ hạng trên Google ảnh hưởng trực tiếp đến lượng truy cập. Bốn là, chuyển đổi nội dung sang nhiều định dạng: Một bài báo có thể tự động chuyển thành bản tin audio (nhờ AI chuyển văn bản thành giọng nói), tóm tắt thành video ngắn, hoặc tạo infographic minh họa. Điều này giúp báo chí đa nền tảng hơn, tiếp cận nhiều đối tượng hơn. |
Không chỉ là cơ quan báo chí chủ lực trong lĩnh vực kinh tế - công thương, Báo Công Thương đang là một trong những tờ báo đi đầu trong việc tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động nghiệp vụ báo chí. Với tư duy đổi mới, tầm nhìn số và tinh thần tiên phong, lãnh đạo Báo đã chủ động triển khai nhiều chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng AI đến toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo. Bởi trong thời đại chuyển đổi số, AI không thay thế nhà báo, nhưng sẽ thay thế những người không biết sử dụng AI. Nếu mỗi phóng viên coi AI là một “trợ lý đắc lực” để hỗ trợ tra cứu, phân tích, gợi ý và sáng tạo nội dung, thì đó không chỉ là cách làm việc thông minh mà còn là bước chuyển mình cần thiết để tạo ra những sản phẩm báo chí nhanh nhạy, sâu sắc, gần gũi hơn với độc giả hôm nay. |
- Thưa chuyên gia AI Trần Khánh Tư, trong bối cảnh độc giả ngày càng phân tán, AI có thể giúp cá nhân hóa trải nghiệm như thế nào? Chuyên gia AI Trần Khánh Tư: Trước đây, báo in hay truyền hình có cách tiếp cận một nội dung chung cho tất cả. Nhưng hiện nay, độc giả mong muốn nội dung được cá nhân hóa, tức là mỗi người sẽ nhận được những bài báo phù hợp với sở thích và nhu cầu riêng. AI giúp thực hiện điều này qua các thuật toán đề xuất nội dung. Tôi lấy ví dụ: Netflix, YouTube sử dụng AI để đề xuất video theo sở thích của người xem; Spotify cá nhân hóa danh sách phát nhạc dựa trên thói quen nghe của từng người dùng. Báo chí cũng có thể làm tương tự, AI có thể phân tích dữ liệu đọc của mỗi độc giả để hiển thị những bài viết phù hợp với họ, tăng khả năng giữ chân người đọc. |
Tuy nhiên, cá nhân hóa nội dung cũng có mặt trái: nếu AI chỉ hiển thị những bài viết mà độc giả thích, họ có thể bị mắc kẹt trong một “vùng an toàn thông tin” (information bubble), không tiếp cận được những quan điểm mới. Nhà báo vẫn cần giữ vai trò điều tiết để đảm bảo tính đa chiều trong thông tin. |
- Tiếp tục câu chuyện, thưa anh, nhiều người lo rằng AI có thể làm mất đi chất “người” trong báo chí, hoặc phát tán thông tin sai lệch. Anh nghĩ sao? Chuyên gia AI Trần Khánh Tư: Tôi cho rằng AI rất mạnh trong việc xử lý thông tin, nhưng không có nhận thức đạo đức. Nếu dữ liệu đầu vào có thành kiến hoặc sai lệch, AI có thể vô tình khuếch đại những sai lầm đó. Chẳng hạn, năm 2020, Microsoft sa thải một số biên tập viên vì để AI tự động chọn tin tức hiển thị trên trang chủ MSN, nhưng AI lại đưa lên những bài viết có thông tin sai lệch. Điều này cho thấy, AI có thể hỗ trợ, nhưng nhà báo vẫn phải là người kiểm duyệt và chịu trách nhiệm nội dung. |
- Một câu hỏi muôn thuở, nhưng lại dành được rất nhiều sự quan tâm của nhiều người khi tìm hiểu về AI: Liệu AI có thay thế con người không? Chuyên gia AI Trần Khánh Tư: Câu hỏi rất thú vị và đúng là đã có rất nhiều người hỏi tôi về câu hỏi này. Cá nhân tôi cho rằng AI có thể thay thế những công việc lặp lại, nhưng không thể thay thế được tư duy sáng tạo, cảm xúc và đạo đức nghề nghiệp. Hãy nhìn vào sự phát triển của máy ảnh: khi máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện, nhiều người nghĩ rằng nhiếp ảnh gia sẽ mất việc. Nhưng thực tế, người biết sử dụng máy ảnh tốt hơn lại thành công hơn. Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, với chủ đề mà bạn và tôi đang trao đổi, thì AI cũng vậy - nhà báo biết sử dụng AI sẽ thay thế những nhà báo không sử dụng nó. Điều quan trọng không phải là sợ AI mà là học cách sử dụng AI như một công cụ để làm báo tốt hơn. Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia AI Trần Khánh Tư với Báo Công Thương ngày hôm nay! |
Nội dung: Thanh Thảo Đồ họa: Hồng Thịnh |