Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chuyển đổi số toàn diện, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia Thủ tướng: Chính phủ xác định mục tiêu kép về chuyển đổi số |
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn loay hoay chuyển đổi số
Song song với những mặt lợi thế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Đầu tiên phải kể đến việc hạn chế về mặt nhận thức, tiếp đó là gặp nhiều khó khăn cản trở quy trình chuyển đổi số, bao gồm vấn đề về tài lực, nhân lực có kĩ năng số, năng lực quản trị, bảo mật thông tin...
Theo tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm cấp cao chương trình tiến sĩ, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở các vùng xa còn gặp hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng Internet - “khoảng cách số” - hoặc chi phí vận hành cao hơn ngăn cản họ tiếp cận cơ hội kinh doanh.
Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy chia sẻ: "Hành trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp này cần được thực hiện khéo léo để đem lại tính hiệu quả cao, song song với việc giảm thiểu rủi ro thất bại và gây tổn thất tài chính vốn đã hạn hẹp của tổ chức. Chính vì thế, chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số nên bắt đầu bằng việc đánh giá kĩ lưỡng và sâu sắc hiện trạng tổ chức của họ nhằm có thông tin đầy đủ để lập lộ trình chuyển đổi hợp lý".
Muốn vươn ra nước ngoài, Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội |
Phân tích thêm, tiến sĩ Duy cho biết, Quyết định 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra các mục tiêu cụ thể và rõ ràng, xác định huy động toàn bộ nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thông qua quyết định này, các dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã và đang được thực hiện bởi Chính phủ và các hiệp hội chuyên ngành.
Tiến sĩ Duy kiến nghị thêm, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa không chỉ lấy khách hàng làm trọng tâm khi số hóa, mà nên mở rộng phạm vi để phát triển năng lực thấu hiểu và tương tác hiệu quả với các thành viên bên trong hệ sinh thái số của mình.
Điều này bao gồm khả năng hiểu được các mối quan tâm và khó khăn của những người đồng hành cùng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số, như là các đơn vị chính quyền, đối tác kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, hội ngành và đơn vị nghiên cứu/giáo dục, cộng đồng xã hội, bên cạnh khách hàng của mình.
“Từ đó, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể lên kế hoạch hợp tác, tận dụng nguồn lực và hỗ trợ của các thành viên hệ sinh thái này, cũng như thực hiện các hành động nhằm lan tỏa tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của quá trình số hóa lên trên hệ sinh thái số” - tiến sĩ Duy chia sẻ.
Đơn cử, quá trình số hóa của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường (ví dụ: Hạn chế việc phá rừng bằng cách tạo việc làm mới/thay thế cho người dân bản địa), hoặc lan tỏa thông tin về sản phẩm và du lịch địa phương xa và rộng hơn bằng cách tham gia các nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Rộng đường "xuất ngoại"
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có trên 62.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Trong đó đã có một số doanh nghiệp đầu tàu như Viettel, FPT... sở hữu hạ tầng viễn thông phủ rộng, lực lượng gia công phần mềm xếp hạng cao trên thế giới với khả năng thích nghi nhanh.
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành một trong những xu hướng không thể đảo ngược trong giới kinh doanh, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam dường như vẫn nằm ngoài dòng chảy này.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khoảng hơn 90% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Trong khi đó, nhìn một cách tổng thể Việt Nam có những lợi thế vô cùng lớn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt cơ hội, vươn mình ra nước ngoài.
Tập đoàn Ericsson đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030. Ericsson cũng dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025 sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh.
Cũng theo các chuyên gia đánh giá, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đi ra toàn cầu, đó là nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường trong nước quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại.
Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhiều người trẻ nhạy bén với cái mới. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2040. Đây chính là khoảng thời gian quý báu giúp ta tận dụng lợi thế, bước nhanh và xa trên trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số.
Đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam-EuroCham), ông Pavel Poskakukhin nhận định, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao chính là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi tiến ra thị trường quốc tế. Về điểm này Việt Nam dường như đang chiếm ưu thế và có thế mạnh để phát triển hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó nước ta đang hội nhập sâu rộng với các tổ chức quốc tế, là cơ hội để giới thiệu và cung cấp sản phẩm công nghệ ra quốc tế.