Mới đây, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33 - NQ/BCSĐ về Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2025 (Nghị quyết 33).
Chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc Cách mạng công thứ tư nên cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực |
Giải quyết các điểm nghẽn
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010-2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan Trung ương qua các năm, từ vị trí cuối bảng xếp hạng trong các bộ ngành, Bộ Công Thương đã vươn lên nhóm dẫn đầu. Cụ thể năm 2017 xếp hạng 17/19, năm 2018 và 2019 xếp hạng thứ 2, năm 2020 xếp hạng thứ 6.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương luôn luôn hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao về xây dựng và triển khai chính phủ điện tử tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử, Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện từ giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Đáng chú ý, từ năm 2016 trở lại đây, Bộ Công Thương đã định hướng, triển khai các ứng dụng nội bộ dùng chung cho các đơn vị trực thuộc Bộ đạt được hiệu quả rất tích cực (100% cán bộ có tài khoản thư điện tử của đơn vị; 100% đơn vị sử dụng ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ)... Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử tại Bộ theo định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng (cổng dịch vụ công, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa điện tử của Bộ...).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Bộ Công Thương cũng rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công tác ứng dụng CNTT, những ưu điểm cần được phát huy và những hạn chế, thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Bộ Công Thương nhìn nhận, chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công thứ tư, là bước đi tất yếu, tạo nền tảng hình thành môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, giải pháp để giải quyết các điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng, quản lý, điều hành của Bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số phải bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng tới xã hội số an toàn.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết cũng nêu rõ, chuyển đổi số là thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc từ mô hình truyền thống sang mô hình kỹ thuật số. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp chịu trách nhiệm chính về kết quả hoạt động chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ
Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2025 hướng tới mục tiêu: Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Cụ thể, hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trên cơ sở đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan thông tin một cửa điện tử của bộ được xác thực điện tử, giao dịch trên Cồng dịch vụ công quốc gia, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ được xác thực điện tử; 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu được tích hợp lên Cơ chế một cửa quốc gia.
Đồng thời, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ đạt từ 80% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tập trung vào giải pháp trọng tâm
Để triển khai thực hiện những mục tiêu tại Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số hiệu quả trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng, triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương phiên bản 2.0 và các phiên bản tiếp theo, đảm bảo tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của bộ để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trung hạn (5 năm) làm cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể hằng năm của bộ và các đơn vị. Đồng thời, xây dựng chiến lược dữ liệu cấp bộ phù hợp với chiến lược dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, Bộ tập trung vào giải pháp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật triển khai ứng dụng CNTT và chính phủ điện tử tại cơ quan bộ và các đơn vị trực thuộc; thực hiện triển khai dịch vụ chứng thực điện tử và chữ ký số cho các hệ thống thông tin và cán bộ thuộc bộ; sử dụng giải pháp, thiết bị, công nghệ dựa trên công nghệ mở để triển khai các ứng dụng CNTT đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế phát sinh.
Về phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng và dữ liệu, Bộ Công Thương hướng tới xây dựng chiến lược dữ liệu cấp bộ phù hợp với Chiến lược dữ liệu quốc gia; nâng cấp Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, tổ chức thực hiện kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ chế một cửa quốc gia; Xây dựng hệ thống phòng họp không giấy tờ tại Bộ Công Thương.
Để thực hiện Nghị quyết trọng tâm, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc bộ phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của ngành; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình các nhiệm vụ chuyên môn trong chức năng, nhiệm của đơn vị và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương để thực hiện nghị quyết này. Trong đó, xác định rõ các đề án, dự án, bố trí ngân sách và phân công nhiệm vụ gắn với lộ trình thực hiện cụ thể; yêu cầu hoàn thành xong trước ngày 28/2/2022. Ban Cán sự đảng phân công đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện.
Vụ Kế hoạch tiếp tục chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương triển khai giám sát, theo dõi và định kỳ báo cáo Ban Cán sự Đảng việc sử dụng nguồn ngân sách được phân bố cho nhiệm vụ này một cách hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật. Ban cán sự đảng phân công đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Ủy viên Ban cán sự Đảng Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện.
Ngoài ra, Văn phòng Ban Cán sự đảng phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện nghị quyết này, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ban Cán sự đảng về kết quả triển khai thực hiện theo yêu cầu.