Chữ ký số: "Mắt xích" không thể thiếu trong thời đại chuyển đổi số Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội chuyển đổi số |
Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam thông qua Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) ra mắt sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm.
Trong cuốn sổ tay, các chuyên gia của chương trình đã phân tích một số khó khăn và đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tế và lộ trình chuyển đổi số phù hợp cho DNNVV trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm tại Việt Nam.
Lễ ra mắt sổ tay "Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm". |
Báo cáo năm 2022 của EMIS - tổ chức quốc tế chuyên về nghiên cứu và dữ liệu nêu rõ, thị trường thực phẩm chế biến toàn cầu được ước tính sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 3,8% từ năm 2023 đến năm 2028. Xu hướng tăng trưởng tương tự cũng được nhìn thấy tại thị trường Việt Nam khi Chính phủ coi đây là một trong những ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến trong nước. Bên cạnh đó, theo Source of Asian, lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm được ghi nhận có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 85% doanh nghiệp sản xuất đã tiếp cận với công nghệ ở các mức khác nhau.
Cuốn sổ tay còn đưa ra gợi ý về việc xây dựng lộ trình triển khai chuyển đối số của doanh nghiệp ngành chế biến và phân phối thực phẩm trong tiêu thụ sản phẩm thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, việc xây dựng lộ trình phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với các yếu tố về mục tiêu và tính chất của hoạt động kinh doanh. Các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gồm: Tuân thủ quy định của nhà nước và quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường, thu hút khách hàng và tối ưu chi phí.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cũng đưa ra các giải pháp chuyển đổi số được áp dụng trong chuỗi giá trị ngành chế biến và phân phối thực phẩm gồm: Giải pháp thu thập, phân tích dữ liệu; giải pháp truy xuất nguồn gốc; quản lý vận tải; quản lý kho và hàng tồn kho; giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm; giải pháp quản lý bán hàng đa kênh. Dựa vào đặc thù của ngành chế biến và phân phối thực phẩm, cuốn sổ tay này giới thiệu các giải pháp công nghệ được áp dụng phù hợp vào các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ có thể tiến hành tuần tự hoặc song song, tùy vào tiềm lực của doanh nghiệp, trong đó, 2 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi.