Giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số dễ dàng hơn, nhanh hơn |
Chuyển đổi số bắt nguồn từ người đứng đầu, định hướng chèo lái "con thuyền" doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Công Thương.
Nhiều doanh nghiệp dù đã đầu tư lớn nhưng vẫn thất bại khi tiến hành chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Bà nhận định như thế nào về những thách thức của doanh nghiệp?
Đối với rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khái niệm về chuyển đổi số còn khá mới mẻ và họ có rất nhiều cách tiếp cận. Có những doanh nghiệp có đầu tư nhưng chưa chuyển đổi số được hoặc chuyển đổi số chưa tới, hay có những doanh nghiệp chưa lường hết sự khác biệt và chưa chuẩn bị kỹ năng cần thiết để áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Họ có những lý do hoặc bỡ ngỡ ban đầu.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) |
Việc nhận thức chuyển đổi số bắt nguồn từ đâu, tôi cho rằng, chuyển đổi số thực ra bắt đầu từ chính những hoạt động đang diễn ra và từ chính nguồn lực hiện có của doanh nghiệp. Quan trọng nhất phải hiểu rõ, chuyển đổi số không phải chỉ có bộ phận công nghệ thông tin, bộ phận kỹ thuật mà bắt nguồn từ chính người đứng đầu, người định hướng chèo lái con thuyền doanh nghiệp. Anh ta phải hiểu được chiến lược của doanh nghiệp mình, từ đó dẫn dắt định hướng cho hoạt động chuyển đổi số.
Cục Xúc tiến thương mại đang tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chương trình này sẽ tháo gỡ điểm nghẽn gì cho doanh nghiệp, thưa bà?
Cục Xúc tiến thương mại đã và đang xây dựng, hoàn thiện Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số (Decobiz) theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030". Doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm hưởng lợi từ hệ sinh thái này.
Trong Decobiz chúng tôi đưa vào giới thiệu những công cụ, giải pháp đã được nhóm chuyên gia nghiên cứu, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, Decobiz sẽ giải quyết câu chuyện chuyển đổi số cho doanh nghiệp bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, cần đầu tư bao nhiêu tiền hay cần nguồn lực như thế nào, bộ phận nào sẽ chuyển đổi số trước… Các hoạt động hỗ trợ sẽ được triển khai theo giai đoạn. Đơn cử, Chương trình hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ tiến hành trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025.
Thực tế, không chỉ có Decobiz, hơn 2 năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã ứng dụng công nghệ thông tin triển khai nhiều hoạt động. Theo đó, hàng triệu hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại, chắp mối kinh doanh trên môi trường số; cung cấp thông tin thị trường… đã được thực hiện và doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi chính.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, bà mong muốn gì giúp chuyển đổi số thành công?
Qua quá trình triển khai thực tế trong gần 2 năm vừa qua, chúng tôi thấy rằng, doanh nghiệp rất ham học hỏi và cầu thị trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ chân thành, chuyển đổi số sẽ gặp nhiều thách thức bởi còn rất mới. Mà để doanh nghiệp làm quen và áp dụng cái mới song song với sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy thương mại là gấp đôi thách thức. Hiểu được vấn đề này, chúng tôi vừa kết hợp nâng cao nhận thức, đồng thời tăng cường sự cam kết của doanh nghiệp đối với chương trình hỗ trợ.
Cụ thể, Chương trình hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp chuyển đổi số từ nay cho đến năm 2025, bước một chỉ tiếp nhận 100 doanh nghiệp thực sự mong muốn, cam kết sẵn sàng và được chúng tôi hỗ trợ từ đầu đến cuối, đảm bảo thành công. Từ đó, có được mô hình điểm, mô hình tốt và truyền cảm hứng tới các doanh nghiệp khác cùng tham gia.
Trong Decobiz có ứng dụng Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam, xin bà chia sẻ vài nét về ứng dụng này?
Chúng tôi phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên tiến hành triển khai hoạt động này, đây thực chất là bản đồ nông sản số, cung cấp thông tin sản phẩm, tiềm năng nông sản của Việt Nam cho khách hàng trong và ngoài nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực đối với các công cụ số...
Mặc dù, thời gian đầu có một số thách thức nhưng đến thời điểm này chúng tôi có thể khẳng định đây là một kênh xúc tiến thương mại rất quan trọng, là một công cụ số để doanh nghiệp xúc tiến thương mại.
Bản đồ hiện mới ở phiên bản 1, trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp lên phiên bản 2. Để tham gia vào ứng dụng này doanh nghiệp cũng phải tuân thủ quy chế riêng để có thể giới thiệu, xây dựng hình ảnh và xúc tiến sản phẩm một cách hiệu quả và chất lượng nhất.
Xin cảm ơn bà!