Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.
Cơ hội đan xen cùng thách thức
Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, các cơ quan báo chí Việt Nam cũng như ASEAN đang đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số nhằm đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả và tạo nguồn thu mới; xây dựng cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Theo giới chuyên gia, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên, chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên; đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, kinh doanh, vận hành tòa soạn, nhưng phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành.
Thực tế từ Đài tiếng nói Việt Nam, nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ: Trong bối cảnh tỷ lệ người nghe phát thanh, xem truyền hình truyền thống đang có sự giảm sút, công chúng chủ động tìm nội dung mà họ muốn tiếp cận, việc phân phối nội dung trên các nền tảng số đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Trước thực tế đó, Đài tiếng nói Việt Nam đang tập trung xây dựng các nền tảng phân phối nội dung số và đẩy mạnh truyền thông tên môi trường số, cụ thể: Phát triển các nền tảng số VOV Media và VOV Live, các nền tảng này thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập mỗi ngày, công chúng có thể nghe, nghe lại tất cả các chương trình phát thanh, thưởng thức kho nội dung đặc sắc, độc quyền của Đài trên các thiết bị di động, máy tính bảng ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.
Đối với truyền hình: Hệ thống nội dung số VTC Now được triển khai trên các nền tảng Android, iOS, AndroidTV, Tizen, WebOS, Web và các nền tảng truyền thông xã hội. VTC Now phát trực tiếp tất cả kênh truyền hình của Đài tiếng nói Việt Nam thông qua ứng dụng OTT VTC Now, website www.vtc.gov.vn; cùng với đó, VTC Now cung cấp các nội dung sản xuất riêng cho nền tảng số như các Bản tin nhanh/Breaking News, các TV/Radio Show; các chương trình truyền hình được phát lại dưới dạng video theo yêu cầu (VOD)…
Tán đồng quan điểm của nhà báo Đồng Mạnh Hùng, các chuyên gia trong và ngoài nước cho hay: Báo chí thế giới đã thay đổi rất nhiều trong mấy năm vừa qua, cách thức làm báo truyền thống không còn phù hợp, đặt ra yêu cầu phải hiểu kỹ năng làm báo hiện đại để thu hút người đọc. Bên cạnh đó, báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ: Tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…
Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế…
Cùng chia sẻ vấn đề này, nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân đưa đến hội thảo thông tin đáng chú ý: Vài năm qua, tại Việt Nam, không ít cơ quan truyền thông đã có những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và xu hướng social-first (ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội). Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin.
Tại Báo Nhân dân, giữa năm 2021, Ban Biên tập đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của báo với lộ trình phát triển thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực. Báo Nhân Dân bản in ra hàng ngày đã và vẫn là sản phẩm quan trọng nhất của tòa soạn, tuy nhiên, thế hệ digital đang trưởng thành dần, ngày càng đông đảo hơn và Báo Nhân Dân cũng phải tiếp cận được với thế hệ này, nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền chính sách và định hướng thông tin đạt hiệu quả trong xã hội. Báo đã đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và 43 xu hướng digital-first. Thông tin được ưu tiên đưa lên báo điện tử, thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin.
Nguồn lực vẫn là thách thức lớn nhất
Từ thực tiễn triển khai chiến lược chuyển đổi số, bước đầu xây dựng tòa soạn số tại Báo Nhân Dân, nhà báo Ngô Việt Anh đưa ra một số khuyến nghị để hoàn thiện mô hình tòa soạn số ở các cơ quan đa phương tiện chủ lực, đó là: Cần sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số báo chí của các tòa soạn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Năm 2021, Báo Nhân Dân đã xây 45 dựng Chiến lược chuyển đổi số để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực với những định hướng và lộ trình thực hiện rõ ràng. Khi tòa soạn có chiến lược, con đường rõ ràng về chuyển đổi số sẽ thay đổi nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên, cơ cấu hoạt động như một cơ quan sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hội Nhà báo Việt Nam: Những chặng đường lịch sử, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số” |
Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí - công nghệ” (media-tech) - nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí. “Tuy nhiên, thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí hiện nay là thiếu đội ngũ nhân sự công nghệ chất lượng cao. Thông thường, một lập trình viên giỏi làm việc tại các công ty công nghệ với thu nhập vài nghìn USD mỗi tháng”, nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ.
Vấn đề nguồn nhân lực cũng được đại diện Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí nêu vấn đề. Song để khắc phục khó khăn này, Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, đã và đang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu và cập nhật công nghệ mới, đào tạo “kỹ sư phần mềm”, “kỹ sư quản trị hệ thống”, “kỹ sư phân tích dữ liệu” để khai thác và đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Đài trong kỷ nguyên số…
Mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra, song các đoàn báo chí trong khu vực đều khẳng định, chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ là vấn đề sống còn mà cần thiết cho sự phát triển của cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông và người làm báo. Việc xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất rất quan trọng, bởi trong ASEAN có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong đó, việc tổ chức hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này, đặc biệt trong trụ cột văn hóa, thông tin báo chí…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng: Chúng ta không nên loay hoay với câu hỏi: Chuyển đổi số là gì hay phải bắt đầu từ đâu nữa, mà điều quan trọng đặt ra trong bối cảnh này là “quản trị tòa soạn số ấy như thế nào?” để tận dụng một cách tối đa cơ hội và vượt lên thách thức.
Công nghệ hiện đại và xu hướng phát triển của báo chí trên những nền tảng số hiện nay đã dẫn đến sự hình thành mô hình tòa soạn số ở các cơ quan báo chí. Việc xây dựng, vận hành tòa soạn số ở cơ quan báo chí đã đạt được những kết quả đáng kể song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt và cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết khó khăn, từ đó tiếp tục phát triển trong thời gian tới. |