Hiệu quả đào tạo thấp
Là một tỉnh có dân số gần 2,2 triệu người, trong đó khoảng 69,25% sống ở nông thôn, số lao động trong nông nghiệp chiếm 53,66%, thời gian qua tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đặc biệt là công tác đào tạo nhằm giúp lao động nông thôn áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức đào tạo được 1.315 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 36.683 người, bình quân đào tạo 5.240 lao động/năm. Tuy nhiên theo ông Trương Tiến Thọ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Hầu hết các cơ sở dạy nghề chưa tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, ngược lại các doanh nghiệp cũng chưa đặt ra tiêu chí người lao động phải có tay nghề trước khi được tuyển dụng.
Việc đào tạo nghề phải theo kịp yêu cầu của doanh nghiệp |
Đây cũng là tình trạng chung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khảo sát mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tại 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng Đề án "Chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long" cho thấy, mặc dù là vùng được hỗ trợ đào tạo lớn nhất cả nước nhưng hiệu quả lại thấp nhất, có 78,3% lao động được đào tạo có việc làm (trung bình cả nước là 81,3%). Thực tế, có 93,7% lao động được đào tạo nghề phải tự tạo việc làm; 4,15% lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và chỉ có 0,98% lao động được doanh nghiệp tuyển dụng.
Nguyên nhân do việc triển khai các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thiếu thực tế, tập trung vào lý thuyết quá nhiều. Về phía các doanh nghiệp được IPSARD khảo sát thông tin, việc tuyển những lao động đã qua đào tạo nghề họ phải trả mức lương cao hơn khoảng 7% so với lao động phổ thông, trong khi đó họ vẫn phải tiến hành đào tạo lại.
Khảo sát nghiên cứu này cũng cho thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long, lao động nông nghiệp nông thôn giảm và có xu hướng già hóa. Vẫn còn tới 90,8% lao động chưa qua đào tạo.
Ưu tiên các ngành nghề phù hợp
Ông Trương Tiến Thọ cho rằng, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề thì việc đào tạo phải theo kịp yêu cầu của doanh nghiệp, phải đa dạng các loại hình, ngành nghề đào tạo.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, chương trình đào tạo và cách đào tạo cần thiết kế phù hợp với đặc thù người nông thôn vốn học vấn thấp và tiếp thu theo cách "cầm tay chỉ việc" sẽ hiệu quả hơn là tập trung ngồi trên lớp.
Ông Lê Văn Trung - Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bến Tre - đề nghị, tăng định mức hỗ trợ học nghề, tăng kinh phí đào tạo, hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án, mô hình sản phẩm trọng điểm tạo nền tảng vững chắc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Nhắc lại tình trạng khoảng rỗng ở nông thôn mà Nhật Bản và Hàn Quốc, Đức đã gặp phải khi người nông thôn ly hương quá nhiều, ông Nguyễn Khắc Toàn- Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam – cho hay, các nước này đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách để giữ người ở nông thôn, thu hút tri thức, doanh nhân về nông thôn. Với Việt Nam, nếu tình trạng di cư của lao động nông thôn vẫn tiếp diễn và nhiều như hiện nay thì nông thôn Việt Nam sẽ là một khoảng trống về lao động. Việt Nam cũng đã có phong trào xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, cũng đã có chính sách thu hút về nông thôn lập nghiệp… các trình này cần được thực hiện tốt hơn.
Ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Phụ trách IPSARD – nhận định, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp đang thu hẹp dần đòi hỏi đặt ra các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có năng lực cũng như kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong đó, ưu tiên đào tạo các ngành nghề phù hợp với ngành, lĩnh vực sản xuất là vấn đề được đặt ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư doanh nghiệp tại các địa phương. Tích cực triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp đặc biệt cho lao động trẻ. Hướng đến xuất khẩu lao động nông nghiệp cũng là giải pháp được tính đến. n
Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng lao động ly hương và không cải thiện được việc chuyển đổi ngành nghề thì nông thôn sẽ là khoảng trống về lao động. |