![]() ![]() |
Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, trong gần 15 năm qua, Quảng Ninh đã từng bước phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt trung bình trên 10%, nhu cầu về điện vì thế cũng tăng lên. Ông Phạm Duy Thanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được mức tăng trưởng điện thương phẩm 6,8%, đứng thứ 4 trong 27 tỉnh khu vực phía Bắc về sản lượng điện thương phẩm. Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã đầu tư gần 2.300 tỷ đồng vào việc phát triển lưới điện. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 14% và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cao vào năm 2025, dự kiến sản lượng điện thương phẩm của tỉnh sẽ đạt 7 tỷ kWh. “Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trên, chúng tôi đang rà soát nhu cầu phát triển công suất điện, chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển hạ tầng điện, đẩy mạnh tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, qua đó đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các khu công nghiệp”- ông Thanh cho hay. |
Là địa phương đứng thứ 6 trên toàn quốc về số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với 164 cơ sở (tại thời điểm năm 2024), ông Thanh cho biết, định kỳ 3 năm/lần các cơ sở đã thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định, định kỳ thực hiện báo cáo kết quả sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm. Bên cạnh đó, Quảng Ninh thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, đồng thời xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tình hình tiêu thụ năng lượng, Quảng Ninh đã áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các phân ngành, lĩnh vực năng lượng, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, cụ thể như: Theo dõi việc sử dụng năng lượng của các cơ quan nhà nước, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thông qua Website https://dataenergy.vn và https://sudungdien.evn.com.vn; vận hành hệ thống trạm biến áp cấp điện 110kV trở lên bằng phương pháp điều khiển xa không người trực. |
Cùng với đó, hệ thống lưới điện phân phối được giám sát qua phần mềm tự động hỗ trợ việc quản lý, giám sát và điều khiển tối ưu lưới điện phân phối với các ứng dụng (DMS), như: Định vị sự cố (FLOC), cô lập sự cố và tái lập khu vực không xảy ra sự cố (FISR), tính toán trào lưu công suất (DSPF)… hệ thống lưới điện chiếu sáng sử dụng hệ thống trung tâm điều khiển xa, chế độ vận hành theo giờ, mùa... |
![]() |
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tăng cường tiết kiệm điện... tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch nhằm thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 theo hướng phân bổ tiết kiệm tối thiểu cho các ngành kinh tế/tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành. Đơn cử, ngành Giao thông vận tải tiết kiệm tối thiểu 5,4%; nông nghiệp - lâm nghiệp, thủy sản tiết kiệm tối thiểu 6,3%; dịch vụ công cộng tiết kiệm tối thiểu 10,9%; dân dụng sinh hoạt tiết kiệm tối thiểu 4,8%; thương mại dịch vụ tiết kiệm tối thiểu 4,9%; công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 8,2%. Đồng thời, để thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch với mục tiêu phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, trong đó phân bổ từng khu vực gồm: Công nghiệp - xây dựng tiết kiệm 2,44% tổng điện năng khu vực; nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm 1,86% tổng điện năng khu vực; thương mại, dịch vụ, du lịch tiết kiệm 1,45% tổng điện năng khu vực và dân dụng tiết kiệm 1,42% tổng điện năng khu vực. |
Theo ông Phạm Duy Thanh, bên cạnh các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh cũng đề ra các nhiệm vụ tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Đồng thời, thực hiện chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong ngành công nghiệp xây dựng và giao thông; thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng, năng lượng tái tạo phù hợp với xu thế chung của thế giới; chỉ đạo các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các quy định khác của pháp luật liên quan. "Kết quả, giai đoạn 2020- 2024, sản lượng điện thương phẩm của tỉnh Quảng Ninh đạt 27,317 tỷ kWh, sản lượng điện tiết kiệm đạt 521,6 triệu kWh chiếm 1,9%."- Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin. |
Chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Trong dòng chảy xu thế chung đó, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số từ năm 2025 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh xác định, cùng với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì phải phát triển các nguồn năng lượng mới phải đảm bảo xanh, điện sạch. Hiện Chính phủ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ các hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời, như miễn thuế nhập khẩu thiết bị và cung cấp các gói vay ưu đãi..., giúp giảm chi phí ban đầu, tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận với hệ thống điện mặt trời. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những chính sách mới từ Nghị định số 135/2024/NĐ-CP góp phần thúc đẩy phát triển điện mặt trời và tạo nền tảng cho một tương lai sử dụng năng lượng xanh. Triển khai Nghị định, ngày 4/12/2024, UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực điện lực thuộc quyền giải quyết của Sở Công Thương. Trong đó có quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nguyên tắc phát triển, các hành vi bị cấm, hoạt động đăng ký cấp giấy chứng nhận phát triển, trình tự, hồ sơ thực hiện phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết, từ cuối năm 2024 đến tháng 3/2025, Quảng Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với tổng công suất đặt 49,2MW phát triển trong các khu công nghiệp, các tổ chức; các hộ dân đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 3MW. Ông Linh chia sẻ, theo kế hoạch của các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, dự kiến hết năm 2025, Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với tổng công suất khoảng 25MW. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh trong việc xuất khẩu hàng hóa sang EU, đảm bảo tuân thủ Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Bên cạnh việc cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà, Sở cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích cá nhân và hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Qua đó, góp phần tăng tỷ năng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng xanh trên địa bàn tỉnh... Đến nay, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo hiện có của Quảng Ninh đạt 6,6MW (đạt 0,95%) và tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2024 đạt khoảng trên 9 triệu TOE. |
Được biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án nguồn điện từ năng lượng tái tạo gồm: 400MW điện gió trên bờ, 40MW điện sinh khối, 30MW điện rác tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay các công tác lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hút, lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo các dự án sớm đưa vào vận hành. Hiện tỉnh cũng đang triển khai xây dựng 1.500MW điện khí. |
Kỳ sau: Bài 2 - Doanh nghiệp Quảng Ninh đồng hành |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |