Triển khai 3 giải pháp hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục |
Cẩn thận không sẽ đi ngược lại với chính sách tinh giản biên chế
Thảo luận tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, chúng tôi thấy cơ bản ngành giáo dục đã khắc phục được khó khăn và đưa học sinh đến trường, đến nay học sinh đã đi học ổn định.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp |
Đặc biệt, trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngành giáo dục trong điều kiện dịch bệnh đã rất cố gắng và đạt được những kết quả tốt.
Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề phải giải quyết, đầu tiên là vấn đề đội ngũ giáo viên. “Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì số lượng giáo viên theo chương trình mới sẽ thiếu khoảng hơn 90.000 giáo viên, nhưng chỗ này phải đánh giá lại” - ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, chúng tôi có một phiên giải trình về việc này để đánh giá lại tình hình của đội ngũ giáo viên, không cẩn thận mình tăng chỗ này lại ngược với chính sách tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, là vấn đề môn lựa chọn, hiện nay các Sở Giáo dục và Đào tạo có nêu là nếu thực hiện môn lựa chọn ở cấp III theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì vấn đề giáo viên giải quyết thế nào, với lực lượng giáo viên bố trí để phù hợp với việc chúng ta cho phép học sinh được lựa chọn theo các tổ hợp môn học.
Xem xét lịch sử là môn học đặc thù, đặc biệt
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng chia sẻ, về môn học lịch sử mà Quốc hội giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu, chúng tôi đã nghiên cứu và có tọa đàm với các chuyên gia, đồng thời, sẽ hỏi ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận vấn đề này.
Sơ bộ ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi thấy rằng về tính cần thiết thì môn học lịch sử này nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và nên theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc. Về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn chỗ này.
Về Chương trình Sóng và máy tính cho em, ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin, đến ngày 30/3/2022 đã trang bị được 155.000 máy và chuyển 436 tỷ đồng, tương đương với 174.400 máy tính bảng.
“Nếu so với chỉ tiêu 1 triệu máy cho các hộ nghèo thì con số này là khá thấp, cho nên tôi đồng tình với báo cáo thẩm tra nói là chương trình này triển khai như thế là còn chậm và nếu không triển khai nhanh so với mục tiêu mình đặt ra thì sợ không đáp ứng được” - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, vừa qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến khó khăn của khối giáo dục mầm non, khối không dạy học trực tuyến được, cho nên các cơ sở rất khó khăn.
Chúng ta có Quyết định 11 ngày 27/4/2022 hỗ trợ các cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non ngoài công lập được vay tối đa 200 triệu đồng với lãi suất 3,3%/năm, thời hạn tối đa là 36 tháng.
“Đối với một cơ sở ngoài công lập chúng ta hỗ trợ mức vay tối đa 200 triệu thì không biết có thực sự giải quyết được các vấn đề khó khăn của các cơ sở giáo dục hay không. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu thêm” - ông Nguyễn Đắc Vinh nêu.
Ngoài ra, tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, cần đánh giá tác động của “hậu” Covid-19 tới tình hình xã hội. Vừa qua, học sinh, trẻ em có hiện tượng tự tử bất thường. Hiện tượng này có thể liên quan đến sức khỏe tâm lý trong xã hội.
Một mặt hậu đại dịch chúng ta lo giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng cần quan tâm hơn tới vấn đề xã hội. “Ngành y tế nên quan tâm xây dựng hệ thống tư vấn về sức khỏe tâm lý. Vì hiện nay chúng ta chưa phát triển được hệ thống này và cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo” - ông Vinh nói.