Chứng khoán ngày 10/10: Nhận định thị trường và khuyến nghị những cổ phiếu đáng quan tâm |
Nhận định thị trường ngày 11/10
Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index kết phiên ngày 10/10 bằng cây nến xanh có bóng nến trên nhỏ cho thấy phe mua đã chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn ở mức trung bình, không có sự đột biến cho thấy dòng tiền vẫn yếu, chỉ mua thăm dò quanh mốc 1,030 điểm.
Khoảng cách giữa giá thấp nhất của phiên giao dịch hôm trước với giá cao nhất của phiên giao dịch hôm sau (Gapdown) tại vùng 1,060 - 1070 có khả năng là vùng cản cho sự phục hồi của chỉ số trong các phiên tới, do đó lực cầu có khả năng sẽ gia tăng nếu chỉ số vượt Gap trên.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm này, việc chỉ số VN-Index có phiên hồi chỉ là điều chỉnh kỹ thuật và sẽ có những phiên trả điểm mạnh và có thể quay về tạo mốc 2 đáy.
Xu hướng thị trường chứng khoán giảm có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Đà giảm vẫn duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, vùng 950-1,000 điểm là vùng cầu trong dài hạn. Do vậy, giai đoạn phục hồi ngắn hạn khả năng cao sẽ xuất hiện và khi chỉ số VN-Index phục hồi, lực bán sẽ mạnh lên và lực cầu sẽ nhanh chóng giảm xuống vì vẫn lo ngại rủi ro trong ngắn hạn.
Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 33.800 đồng/cp
Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã đưa ra phân tích, nhận định và định giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBB).
PHS khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 33,800 đồng/cp |
Theo PHS, MBB là một tập đoàn tài chính đa năng với ngân hàng mẹ MB tại Việt Nam & nước ngoài (Lào, Campuchia) và các công ty thành viên (trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, tài chính tiêu dùng, quản lý quỹ, quản lý tài sản, bảo hiểm nhân thọ). MBB đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2026 đạt quy mô 20 triệu khách hàng, tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) tối thiểu ~23%/năm và các chỉ tiêu chất lượng, hiệu quả top 3 thị trường.
MBB là top 2 ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) cao nhất toàn ngành. ROE của MBB liên tục cải thiện trong giai đoạn từ 2016-2021 từ 11.7% vào năm 2016 lên 23.5% vào năm 2021. Lũy kế 12 tháng gần nhất, ROE của MBB đạt 25.8%, cải thiện 2.3% so với cuối năm 2021, thuộc top 2 ngân hàng có ROE cao nhất ngành nhờ NIM vượt trội và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt.
MBB có các quyền lợi chính sau khi nhận chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, MBB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc, giúp MBB tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1.5-2x 3-5 năm. Bên cạnh đó, việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MBB và tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc (dự kiến khoảng 401 điểm mạng lưới trên toàn quốc) sẽ tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu cho MBB và những lợi ích khác.
PHS dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của MBB đạt 20.3%YTD, nhờ các yếu tố cụ thể như chất lượng tài sản tốt, chuyển nhượng bắt buộc 1 tổ chức tín dụng. Nền kinh tế Việt Nam được World Bank dự báo tăng trưởng 6.7% trong năm 2023. Qua đó, PHS dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2023 của MBB đạt 18.4%YTD.
Do áp lực gia tăng lãi suất huy động trong khi lãi suất cho vay được khuyến khích giữ ổn định, ước tính NIM của MBB đạt 5.34% vào năm 2022, tăng 18 bps so với cuối năm 2021. PHS cho rằng xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp tục trong năm 2023, dù vậy, ước tính NIM của MBB sẽ cải thiện 4 bps so với cuối năm 2022 lên 5.38% nhờ tỷ lệ CASA vượt trội và được hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ để cho vay ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Danh mục trái phiếu doanh nghiệp góp phần mở rộng NIM, nhưng cũng mang lại cho MBB nhiều rủi ro.
Theo PHS, cổ phiếu MBB cũng đối diện với rủi ro về lãi suất, nợ xấu, cạnh tranh và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu MBB là 33,800 đồng/cp.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 135.453 đồng.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) đã đưa ra những phân tích, định giá và khuyến nghị đối với cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.
Theo FSC, PNJ ghi nhận kết quả tích cực trong 8 tháng đầu năm 2022 (8T22), doanh thu đạt 23,0 nghìn tỷ đồng (+87,6% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (+99,4% YoY). Mảng bán lẻ vẫn là động lực chính giúp thúc đẩy doanh thu của công ty. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tăng +96,2% YoY trong 8T22 và chiếm 59,7% tổng doanh thu, +2,5 điểm % (ppt) so với 8T21.
FSC cho rằng, mảng kinh doanh trang sức sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và hấp dẫn nhất khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo báo cáo từ MCKinsey, mỗi năm sẽ có hơn một triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, nghĩa là nhu cầu đối với hàng trang sức cũng tăng lên.
PNJ dự kiến mở thêm 35-40 cửa hàng trong năm 2022 (+10-12% YoY) từ 341 cửa hàng vào thời điểm cuối năm 2021. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu 500 cửa hàng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13,6% trong giai đoạn 2022E-2025E. Ngoài ra, PNJ đang mở rộng công suất và dự kiến đến cuối năm 203E, tổng công suất sẽ đạt 6,0 triệu sản phẩm/năm (so với mức công suất hiện tại là 4,0 triệu sản phẩm/năm).
Qua những dữ liệu trên, FSC điều chỉnh mô hình định giá, nâng dự báo doanh thu năm 2022E lên 35,9% và đạt 32,4 nghìn tỷ đồng (tương ứng với mức tăng trưởng +65,4% YoY) và dự báo doanh thu năm 2023E cũng được nâng lên 38,3%, đạt 37,6 nghìn tỷ đồng (+16,1% YoY).
Tuy nhiên, FSC giả định biên lợi nhuận gộp sẽ giảm do thay đổi cơ cấu doanh thu, dự báo lợi nhuận sau thuế cho năm 2022E chỉ tăng nhẹ 1,9% so với dự báo trước đó, đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+75,3% YoY) và dự báo cho năm 2023E cũng chỉ tăng 0,7%, đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (+20,8% YoY).
Do đó, FSC vẫn duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu đã điều chỉnh là 135.453 đồng, tương ứng với P/E 2023E trung vị ngành là 12,8x. Giá mục tiêu mới của FSC tương ứng với tổng mức sinh lời của cổ đông trong 12 tháng là 21%.