Chứng khoán ngành Công Thương: Cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ sẽ "tươi sáng" hơn vào nửa sau năm 2023? Chứng khoán ngành Công Thương: Phân tích cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai |
Ông vua ngành logistic Việt Nam
Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE: GMD) là công ty chuyên về logistics (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa) có mạng lưới cảng và logistics, hệ thống hiện đại, tọa lạc ở các vùng kinh tế lớn bậc nhất Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của GMD là khai thác cảng và hoạt động logistic.
Tiền thân của Gemadpt là một doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1990. Cùng với chính sách đổi mới kinh tế của Chính phủ, năm 1993 Gemadept trở thành một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa.
Năm 2002, công ty này được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, cổ phiếu GMD đang được giao dịch trên sàn HOSE. Số lượng cổ phiếu GMD đang lưu hành là hơn 301 triệu cổ phiếu, vốn hóa thị trường ước đạt 15.881,24 tỷ đồng.
Đáng chú ý, GMD là đơn vị trả cổ tức bằng tiền đều đặn trong nhiều năm. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, GMD luôn trả cổ tức cho cổ đông từ 1.200-1.500 đồng/cổ phiếu.
Năm 2022 là năm kinh doanh "bết bát" của nhiều doanh nghiệp bởi sự tác động của nhiều yếu tố vĩ mô, chiến tranh, lạm phát và các yếu tố nội tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2022, GMD lại ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Thậm chí có thể nói là "năm hoàng kim" của Gemadept khi hoạt động khai thác cảng và logistic thuận lợi đã giúp doanh nghiệp này có mức lãi ròng "khủng" đạt gần 1 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu thuần của GMD đạt 3,9 ngàn tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2021). Biên lãi gộp ở mức 42% (năm trước chỉ 35,6%). Trong đó, hoạt động khai thác cảng đóng góp doanh thu hơn 3 ngàn tỷ đồng (chiếm gần 80%), còn lại hơn 812 tỷ đồng là doanh thu hoạt động logistics, cho thuê văn phòng và các hoạt động khác.
Doanh thu thuần năm 2022 của GMD đạt 3,9 ngàn tỷ đồng |
Lãi từ công ty liên doanh, liên kết năm 2022 đạt 406,5 tỷ đồng (tăng 72% so với năm trước). Trong gần 2,5 ngàn tỷ đồng đầu tư, GMD đầu tư nhiều nhất vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link với hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Ngoại trừ chi phí bán hàng giảm 6% còn gần 146 tỷ đồng, các chi phí khác đều tăng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt hơn 177 tỷ đồng và 396 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, GMD đạt lãi ròng 995 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2021).
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản GMD đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng (tăng 23% so với đầu năm). Nợ phải trả hơn 5,2 ngàn tỷ đồng (trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 543 tỷ đồng, nợ vay dài hạn hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Cơ hội tiếp tục bứt phá
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (Chứng khoán Shinhan), trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 6%. Tuy nhiên, đây là thời điểm thuận lợi cho những doanh nghiệp có cốt lõi mạnh mẽ sẽ bứt phá và dẫn đầu. Trong đó, Công ty Cổ phần Gemadept cũng là cái tên nằm trong danh sách này.
Năm 2023 là thời điểm thuận lợi cho doanh nghiệp có cốt lõi mạnh mẽ dẫn đầu và phát triển |
Theo Chứng khoán Shinhan, Gemadept sở hữu tổng cộng 8 cảng biển với công suất hằng năm lên đến 5 triệu TEUs (đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn) và 5 triệu tấn hàng rời. Công ty này có ưu thế sở hữu nhiều cảng ở vị trí địa lý thuận lợi so với các đối thủ, kèm theo nhiều năm kinh nghiệm.
Hiện nay, Gemadept tiếp tục khẳng định vị thế với các dự án tiềm năng đang được đầu tư mạnh mẽ. Dự án tiêu biểu như: Cảng quốc tế Gemalink giai đoạn 2 - nâng tổng công suất lên 3 triệu TEU; Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và 3 (mỗi giai đoạn thêm 500.000 TEU) – nâng tổng công suất lên 1,5 triệu TEU. Hai dự án này dự kiến sẽ nâng công suất khai thác của Gemadept lên gấp đôi khi hoàn thành.
Trong cơ cấu doanh thu của GMD năm 2022 cho thấy, hoạt động khai thác cảng đóng góp chính đạt 3.104 tỷ đồng (chiếm 79,3% tổng doanh thu). Hoạt động logistics và cho thuê văn phòng đạt 812 tỷ đồng (chiếm 20,7% tổng doanh thu). Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của GMD lần lượt đạt 3.916 tỷ đồng và 1.308,3 tỷ đồng, hoàn thành 101,7% và 109% mục tiêu năm. Tổng sản lượng hàng hóa container của GMD trong năm 2022 ước đạt hơn 3 triệu TEU, trong đó Gemalink đóng góp ước khoảng 1,2 triệu TEU.
Gemalink thuộc khu vực Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được đưa vào vận hành từ qúy I/2021 và đem về cho GMD 84 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022 (năm 2021 chỉ có 2 tỷ đồng). Giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ quý I/2025. Cuối năm 2022, cảng này đã đạt được độ sâu trước bến 16,5m và có thể đón được những chuyến tàu lớn nhất thế giới trong năm 2023.
Đặc biệt, thương vụ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của GMD trong thời gian sắp tới. Ngày 29/12/2022, Hội đồng quản trị Gemadept đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 84,66% cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Trong bối cảnh khó khăn của ngành cảng biển năm 2023, việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại cụm cảng Hải Phòng vốn có tính cạnh tranh cao giúp GMD tập trung hơn vào cảng Nam Đình Vũ. Số tiền thu được từ thương vụ này giúp Gemadept có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư cảng Gemalink giai đoạn 2, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2, 3 và các dự án cảng thủy nội địa khác, giảm phụ thuộc vào nợ vay trong môi trường lãi suất cao.
Ngoài ra, cảng Nam Hải Đình Vũ đã đạt 100% công suất (550.000 TEUs/năm) với doanh thu đạt 647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 212 tỷ đồng trong năm 2021. Giai đoạn 1 của cảng Nam Đình Vũ đang hoạt động 80% công suất và giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong qúy I/2023. Cảng Nam Đình Vũ có thể được hưởng lợi khi nhận khối lượng hàng chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ, hỗ trợ một phần hiệu suất hoạt động ngay khi hoàn tất giai đoạn 2.
Thông tin trên Gemadept.com.vn, trong năm 2023, Gemadept cho biết đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư mở rộng các dự án, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả hệ sinh thái cảng và logistics.
Khuyến nghị với cổ phiếu GMD
Theo Agriseco Research ghi nhận kết quả kinh doanh của GMD trong 2022 tăng trưởng ấn tượng nhờ cảng Gemalink vận hành với hiệu suất cao. Mặc dù năm 2023 còn nhiều khó khăn do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng GMD đã có những thay đổi rất linh hoạt để đảm bảo lợi nhuận cũng như dòng tiền trong giai đoạn tới.
Agriseco Research kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ thoái vốn gần 85% cổ phần cảng Nam Hải Đình Vũ. Khi thoái vốn, GMD có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán tài sản. Mặc dù chưa có thông tin chính xác về mức giá bán cảng Nam Hải Đình Vũ, nhưng Agriseco Research ước tính GMD thu về khoảng 2.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp.
Nhờ vào việc ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ hoạt động thoái vốn, GMD sẽ cải thiện tình hình tài chính hiện nay và có thêm nguồn lực để hoàn thiện dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và Gemalink giai đoạn 2 mà không cần huy động thêm vốn vay quá nhiều.
Hiện nay cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng và có thể vận hành từ qúy I/2023 với công suất khoảng 500.000 TEUs/năm. Agriseco Research đánh giá việc GMD thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ có thể giúp cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 nhanh chóng đạt hiệu suất cao hơn khi được nhận một phần khối lượng hàng hóa điều chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ sang.
Cảng Nam Đình Vũ hứa hẹn tạo "cú hích" cho sự tăng trưởng của GMD |
Trước những luận điểm đầu tư trên, Agriseco Research đánh giá khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu là 58.000 đồng/cp. Hành động cắt lỗ khi giá cổ phiếu đóng cửa dưới vùng 44.000 đồng/cp.
Theo một số chuyên gia, kết quả kinh doanh của Gemadept và thị giá cổ phiếu GMD cũng có thể chịu tác động khi đối mặt với những rủi ro như: Rủi ro tình hình kinh tế thế giới; rủi ro liên quan đến giá dầu tăng; rủi ro liên quan đến tình hình vận tải biển thế giới...