Chứng khoán hôm nay ngày 10/11: Nhận định thị trường và phân tích, định giá cổ phiếu BIC
Nhận định thị trường ngày 10/11
Các công ty chứng khoán đã có những phân tích và nhận định về khả năng chỉ số VN-Index có thể xảy ra trong phiên giao dịch ngày 10/11 để nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định mua bán cổ phiếu.
Chỉ số VN-Index đang đóng cửa tại mức 985.59 điểm |
Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lực cầu đuối sức gần vùng cản 995 - 1.000 điểm của VN-Index và ép chỉ số lùi về sát mốc tham chiếu. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng với đà tăng của thị trường chung. Bên cạnh đó, diễn biến tăng đột ngột của một số cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn trong phiên ATC cũng khiến cho tín hiệu hỗ trợ tại vùng giá thấp kém tin cậy.
Thị trường tạm thời vẫn đang bị áp lực cung chi phối. Do đó, chỉ số VN-Index có khả năng tiếp tục lùi bước để đánh giá lại cung cầu tại hỗ trợ quanh 960 điểm. Với kịch bản này, nhà đầu tư vẫn cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền và tạm thời hạn chế mua đuổi. Nếu dòng tiền hỗ trợ tiếp tục gia tăng và hấp thu áp lực bán lớn hiện tại thì có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu có cơ bản tốt và có mức chiết khấu sâu.
Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, áp lực bán giải chấp đã có phần vơi nhẹ khi nhiều mã thuộc bất động sản hay chứng khoán đã không còn dư địa bán hàng triệu cổ phiếu như các phiên trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy xu hướng bán đang có chiều hướng chững lại.
CSI cho rằng, xu hướng tăng điểm vẫn chưa được xác nhận nên nhà đầu tư nên thận trọng, chỉ giải ngân một phần thăm dò và kiên nhẫn chờ đợi thêm dấu hiệu bùng nổ và củng cố xu hướng tăng trước khi gia tăng tỷ trọng.
Nhận định về thị trường ngày 10/11, Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam bày tỏ quan điểm rất thận trọng khi cho rằng, mặc dù thị trường có sự phục hồi nhưng xu hướng giảm ngắn hạn đang chiếm ưu thế khi chỉ số VNIndex đang hình thành một đáy mới. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần đứng ngoài quan sát và chờ đợi thêm các tín hiệu khác.
Khuyến nghị mua cổ phiếu BIC với giá mục tiêu 29.300 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra nhận định và phân tích về cổ phiếu BIC của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC).
Theo BVSC, bảo hiểm sức khỏe tiếp tục tăng mạnh trong Qúy 3 là động lực tăng trưởng chính trong tương lai của BIC.
Ba nghiệp vụ đem lại doanh thu chính cho BIC là mảng sức khỏe, đạt 358 tỷ đồng (+90,5% yoy), xe cơ giới đạt 181 tỷ đồng (+18,1% yoy) và bảo hiểm cháy nổ đạt 168,5 tỷ đồng (+43,6% yoy). Tính chung 9 tháng đầu năm, 3 nghiệp vụ này lần lượt đạt 1.076 tỷ đồng (+75,8% yoy), 613 tỷ đồng (+14,4% yoy) và 482 tỷ đồng (+42,6% yoy).
Theo BVSC, sự tăng trưởng mạnh của bảo hiểm sức khỏe đến từ định hướng đẩy mạnh khai thác sản phẩm bảo hiểm cá nhân, đặc biệt chú trọng kênh khai thác Bancassurance (phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng) với sản phẩm chủ lực là bảo hiểm Bình An – bảo hiểm cho người vay vốn.
BVSC định giá cổ phiếu BIC là 29.300 đồng/cổ phiếu |
Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe đã ghi nhận tăng trưởng mạnh từ năm 2019, nâng tỉ trọng đóng góp vào tổng doanh thu phí gốc từ mức 19% trong năm 2019 lên 38,7% chỉ sau 9 tháng năm 2022. Đây sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của BIC trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 30%/năm, do dư địa khai thác bảo hiểm cho người vay vốn còn rất nhiều. Bên cạnh đó, các nghiệp vụ khác cũng cho thấy sự tăng tốt sau thời gian giãn cách bởi đại dịch.
Theo BVSC, Bancassurance sẽ đóng góp 50% tổng doanh thu phí trong 5 năm tới. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, tỉ lệ đóng góp kênh Bancassurance trong 9 tháng đầu năm vào khoảng 30% tổng doanh thu phí gốc, tăng nhanh từ mức 10% trong năm. Tốc độ tăng trưởng của mảng Bancassurance là tương đối ấn tượng, lần lượt đạt 50%, 67,7%, 68%, 33% trong các năm 2018, 2019, 2020, 2021.
Theo kế hoạch của BIC, công ty sẽ đẩy mảnh hoạt động Bancassurance ngoài hệ thống ngân hàng BIDV, kế hợp bán chéo với các tổ chức tín dụng khác như LienVietPostBank, Việt Á, Đông Á, Seabank, OCB…
Với ước tính tăng trưởng trung bình hàng năm vào khoảng 27%, BVSC cho rằng kênh Bancassurance sẽ chiếm 50% tổng doanh thu phí trong 5 năm tới của BIC.
Thời điểm hiện tại, doanh thu bán bảo hiểm qua kênh đại lý, trực tiếp, online lần lượt là 35%, 30%, 5%.
BVSC cho rằng, hoạt động kinh tế hồi phục trở lại bình thường khiến số lượng các vụ bồi thường gia tăng, đặc biệt là các mảng nghiệp vụ bán lẻ và cháy nổ có tỉ lệ bồi thường tương đối cao. Điều này khiến tỉ lệ bồi thường Qúy 3 tăng lên 32% từ mức 26,7% trong Qúy 2 và tiếp tục có xu hướng tăng trong Qúy 4, tuy nhiên sẽ không tăng quá nhanh.
Điều đáng chú ý, do hoạt động kinh doanh của BIC chỉ tập trung ở khu vực miền Bắc và miền Nam, nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi thiệt hại do cơn bão Noru gây ra trong giai đoạn cuối tháng 9. Ước tính tỉ lệ bồi thường sẽ tăng lên 35% trong quý cuối năm, khiến tỉ lệ bồi thường cả năm 2022 tăng lên 27% (tăng 69bps so với cùng kỳ).
Dự đoán, trong năm 2023, lãi suất tăng sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của BIC. Với phần lớn danh mục đầu tư là tiền gửi, các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và BIC nói riêng sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất tiền gửi đang tăng trở lại.
Do dòng tiền đầu tư được phân bổ theo từng giai đoạn, nên tác động sẽ có độ trễ từ 6-12 tháng trước khi toàn bộ danh mục được ảnh hưởng lợi từ lãi suất cao hơn. Ước tính tổng danh mục đầu tư sẽ tăng thêm 3% trong quý cuối năm, khiến tổng danh mục đầu tư tăng lên 5.121 tỷ đồng. Do lãi suất tiền gửi tăng cao từ cuối Qúy 3, giúp tỉ suất đầu tư trong 6 tháng cuối năm tăng lên 3,4%, cao hơn 40bps so với 6 tháng đầu năm.
Tính chung cả năm, doanh thu hoạt động tài chính sẽ đạt 308 tỷ đồng (-10,7% yoy), tương ứng với lợi suất đầu tư cả năm đạt 6,5% (trong khi cả năm 2021 là 8,2%).
Dựa trên những phân tích trên, BVSC đã có những dự phóng và định giá về cổ phiếu BIC cũng khá tích cực.
Cụ thể, qua phân tích những tác động trực tiếp có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của BIC. Sự tăng trưởng sẽ có thể được đẩy nhờ khai thác sản phẩm bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng thông qua kênh Bancassurance, với tốc độ trung bình khoảng 20-25%/năm. Các nghiệp vụ khác sẽ duy trì tốc độ trung bình 10%/năm.
Bên cạnh đó, tỉ lệ bồi thường tăng cao trở lại khi hoạt động cũng sẽ có sự tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Điểm đáng lưu ý nữa là chi phí hoạt động tăng cao do hoa hồng lớn qua kênh Bancassurance, đồng thời phát triển kênh online khiến chi phí xây dựng hệ thống cũng tăng lên đáng kể trong thời gian đầu.
BVSC ước tính AUM (tài sản đang quản lý) tăng 5%, tỉ suất đầu tư tăng lên 7% do ảnh hưởng tích cực từ lãi suất tiền gửi tăng cao. Trong khi đó kênh đầu tư chứng khoán sẽ không đóng góp nhiều do thị trường còn nhiều khó khăn.
BVSC cho rằng hiện tại phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm đã quay trở lại giao dịch ở mức PB trung bình ngành trong giai đoạn bình thường là 1,2x, là mức phù hợp trong giai đoạn hiện tại. Với ước tính lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 đạt 375 tỷ đồng (+28,3% yoy), BVPS (giá trị sổ sách trên một cổ phiếu) của BIC tăng lên 24.479 đồng/cổ phiếu trong năm 2023.
BVSC khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu BIC với giá mục tiêu là 29.300 đồng/cổ phiếu, tương đương với upside 21,9% trong năm 2023.