Lý do kỳ thi IELTS của hội đồng Anh bị tạm hoãn? Chứng chỉ IELTS được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi |
Nhìn ánh mặt mệt mỏi của chúng, tôi tự hỏi: Những vị phụ huynh kia đang đồng hành cùng con thực hiện ước mơ hay tăng thêm áp lực cho chúng?.
Chứng chỉ IELTS chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích cuối cùng |
Trước hết phải khẳng định, IELTS đem lại nhiều lợi ích cho người học. Đặc biệt khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định công nhận chứng chỉ này như một tấm vé thông hành để học sinh được miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng vào một số trường đại học top đầu... thì chứng chỉ này không đơn thuần là một phương thức đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ mà trở thành xu hướng xã hội, thậm chí một thứ thời trang giáo dục, trang sức cho người học.
Trao đổi về việc có nhiều gia đình đang cố bằng mọi thứ cho con học IELTS là đúng hay sai? Cô Trần Thị Hải – Giáo viên chuyên Anh, Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh – cho hay: “Tôi vui mừng khi ngày càng có nhiều học sinh yêu thích môn ngoại ngữ và đã học rất tốt, biết tận dụng vốn kiến thức ngoại ngữ giúp các em có được công việc tốt hơn, khám phá cuộc sống hay hơn… Hiện nay, có nhiều bạn trẻ chọn IELTS thay vì học tiếng Anh phổ thông như trước đây cũng không thể trách được, nhưng cần phải hiểu, mục đích khi học vẫn phải là để sử dụng vào cuộc sống, công việc”.
Là thạc sĩ trong lĩnh vực giảng dạy tại Đại học Belgrade, Serbia và Đại học Latvia - Marko Nikolic - người Serbia sống ở Việt Nam từ năm 2014, là giáo viên dạy tiếng Anh; đồng thời là tác giả cuốn tiểu thuyết ''Phố Nhà Thờ'' - tiểu thuyết đầu tiên do người nước ngoài viết bằng tiếng Việt đã có bài chia sẻ: "IELTS, không phải là trang sức".
Trong bài viết của anh có đoạn: "Tôi nhìn thấy sự chuyển dịch trên thị trường đào tạo tiếng Anh khi ngày một nhiều bạn trẻ chọn IELTS thay vì học tiếng Anh phổ thông như trước đây. Với tư cách giáo viên, tôi đón sự chuyển dịch này với cảm xúc mừng lo pha trộn. Vì học IELTS càng sớm không hẳn là càng tốt..."
Marko Nikolic phân tích: Thứ nhất, IELTS học thuật (loại bài thi mà đại đa số học viên Việt Nam chọn) được thiết kế dành cho những ai có ý định nhập học đại học. Bài thi này đánh giá trình độ tiếng Anh của bạn có phù hợp cho môi trường học thuật hay không. Khi các bạn trẻ bắt đầu học IELTS quá sớm, họ dấn thân vào một bài thi không được thiết kế cho tuổi của họ. Các học viên dưới 16-18 tuổi chưa có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm sống phù hợp để tiếp cận các chủ đề cực kỳ phức tạp được đề cập trong bài thi.
“Đa số bạn trẻ Việt Nam đam mê tiếng Anh nhưng một khi bị kéo vào một cuộc đua tranh mệt mỏi để theo đuổi band điểm ngày càng cao, họ đối mặt với nguy cơ mất đi cảm hứng và động lực học. Áp lực ganh đua gây ám ảnh và đè nặng tâm lý của người trẻ, khiến họ tự ti. Nhiều học sinh nói với tôi rằng họ bị stress nặng ngay cả trước khi thi thử”, Marko Nikolic bày tỏ.
Thứ hai, xây dựng nền tảng ngôn ngữ là một quá trình kéo dài nhiều năm và đòi hỏi nhiều thời gian công sức, nhưng nhiều học viên chọn đi đường tắt và chỉ chú trọng vào các chiến thuật luyện đề và phương pháp học tủ học vẹt. Nhồi nhét vào đầu vô số câu trúc và tự vựng hết sức học thuật và phức tạp nhằm gây ấn tượng với giám khảo IELTS. Kết quả là nhiều học viên nói tiếng Anh một cách vụng về, chưa thực sự tự nhiên và tự tin.
Thứ ba, tư duy học "đường tắt" làm cho họ không chú trọng vào các thói quen học tập bền vững. Khi học một ngoại ngữ, tôi thường xuyên ghi chép và ôn lại từ mới trong một sổ tay từ vựng. Tôi kết hợp tiếng Anh với những sở thích của mình và tiếp xúc với các sản phẩm văn hóa qua việc xem phim không vietsub, đọc báo nước ngoài, nghe podcast... Nhưng đa số học sinh không làm như vậy, vì họ coi việc đó tốn nhiều thời gian và không mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.
Trong bài chia sẻ của mình, Marko Nikolic khẳng định, IELTS là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh bậc nhất thế giới, nhưng nó chỉ là một công cụ, một phương tiện chứ không phải mục đích học. Mục tiêu của ngành giáo dục là xây dựng kỹ năng và sự hiểu biết toàn diện của học sinh và đây là thứ khó lượng hóa được bằng một số điểm.
Cô Trần Thị Hải đưa ra lời khuyên thêm cho các em học sinh: Không nên chỉ chú trọng vào chứng chỉ mà quên mất thực chất của việc học một ngôn ngữ là phải sử dụng được nó vào thực tế, vào giao tiếp, công việc. Để việc học ngoại ngữ hiệu quả, phải nhìn xa hơn những chứng chỉ đơn thuần. Việc nhìn nhận chuyện học ngoại ngữ và sử dụng chứng chỉ thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như góc nhìn khác nhau.
Kết cho bài viết, tác giả chỉ có đôi lời: Cha mẹ nào cũng mong con học tốt, thi vào những ngôi trường chất lượng, đó là kỳ vọng chính đáng. Tuy nhiên, mỗi người cần học cách bằng lòng với những gì con mình đạt được. Kết thúc mỗi chặng đường, dù kết quả đạt được có thể chưa như mong muốn nhưng luôn có nhiều con đường rộng mở phía trước.