Nóng: Người dân Hà Nội 'trắng đêm' di chuyển hàng hoá ra khỏi vùng nước ngập Nước lũ sông Hồng dâng cao cả mét, người Hà Nội lo lắng trận lụt lịch sử 2008 lặp lại |
Đêm 9/10 mực nước sông Hồng đã dâng cao tại nhiều khu vực như phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; bến Chương Dương tại phường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm... Đặc biệt, tại bến Chương Dương, mực nước tăng nhanh trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhiều hộ gia đình đã phải thức trắng đêm để sơ tán hàng hóa, tài sản ra khỏi vùng ngập lụt.
Rạng sáng 10/9, các khu vực sông Nhuệ, đoạn cầu Bươu, phường Kiến Hưng, Hà Đông nước dâng cao, nhiều đoạn đường bị ngập; khu vực cổng chào Thiên Đường Bảo Sơn, cuối đường Lê Trọng Tấn giao với đường gom Đại lộ Thang Long nước cũng ngập sâu... Đặc biệt, khu vực chân cầu Nhật Tân ven sông Hồng, nước lũ dâng cao khủng khiếp, nhấn chìm nhiều đồng ruộng, hoa màu, nhiều diện tích trồng đào của người dân cũng bị nước lũ “nuốt chửng”.
Nước lũ sông Hồng dâng cao, nhấn chìm vùng trồng hoa màu, đào của người dân Nhật Tân và các địa bàn xung quanh |
Trong trưa ngày 10/9, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Công Thương, đoạn ven sông Hồng khu vực phường Tứ Liên, nước sông Hồng dâng cao. Hiện tại, các lực lượng chức năng trên địa bàn phường đang túc trực, sẵn sàng các phương án đưa người dân sinh sống từ khu vực bãi giữa sông Hồng vào bờ.
Khu vực phường Tứ Liên, Tây Hồ mực nước ngày càng tăng nhanh |
Ông Trịnh Chí Thanh - Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên - nhấn mạnh, phường Tứ Liên đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân |
Ông Trịnh Chí Thanh - Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên cho biết, mực nước sông Hồng đang lên rất nhanh, tăng thêm gần 2m so với đêm qua (9/9). Thực hiện chỉ đạo của các cấp, phường Tứ Liên đã huy động toàn bộ lực lượng từ Công an, dân quân, tổ trưởng dân phố... xuống vận động toàn bộ bà con khu vực ngoài bãi bồi và bờ đê sông Hồng để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản.
“Phường Tứ Liên có khoảng 50 hộ dân sinh sống ngoài bãi bồi và bờ đê sông Hồng. Tính đến nay chúng tôi đã di tản được hơn 30 người cao tuổi và trẻ em. Chúng tôi đang đưa thuyền ra hỗ trợ, đưa nốt những người dân còn mắc kẹt ngoài đó vào bờ trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng” - ông Trịnh Chí Thanh chia sẻ.
Ông Trần Minh Tâm - dân quân tự vệ phường Tứ Liên - thông tin về nơi ăn ở, sinh hoạt tạm thời của những hộ dân vừa được di tản |
Lực lượng dân quân tự vệ cùng các lực lượng chức năng phường Tứ Liên đi thuyền ra bãi giữa sông Hồng hỗ trợ đưa người dân vào bờ |
Thông tin về nơi ăn ở, sinh hoạt tạm thời của những hộ dân vừa được di tản từ ngoài bãi giữa sông Hồng vào đất liền, ông Trần Minh Tâm - dân quân tự vệ phường Tứ Liên, Tây Hồ cho biết, chính quyền phường Tứ Liên cũng như các Tổ dân phố, lực lượng cứu hộ đã bố trí chỗ ăn ngủ, nghỉ, sinh hoạt tạm thời cho những người dân vừa được di tản.
“Chúng tôi đang phối hợp cử tàu thuyền ra ngoài bãi rà soát xem còn người dân nào không để di dời trước khi có những đợt lũ lịch sử mới” - ông Trần Minh Tâm cho hay.
Đại diện Công an Quận Tây Hồ cũng cho biết, lực lượng chức năng đã triển khai các lực lượng ứng trực sẵn sàng chiến đấu với mưa bão để cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn 24/24h. Lúc 10h ngày 10/9, nhận được tin báo về việc có 2 người dân đang mắc kẹt tại bãi giữa sông Hồng cần sự giúp đỡ. Xác minh thông tin, ngay lập tức Công an phường Phú Thượng, Nhật Tân đã đến khu vực bãi giữa đưa ông Hà Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Học cùng sinh năm 1966 có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, là những người lao động làm thuê trên khu bãi giữa sông Hồng, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ vào bờ an toàn.
Người trồng đào Nhật Tân liên tục đo mực nước lũ dâng cao và lo lắng cho vụ đào Tết 2025 |
Mực nước sông Hồng dâng cao, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Nhiều vùng trồng hoa màu hay khu vực vườn đào Nhật Tân sát sông Hồng đã ngập sâu trong nước lũ.
Bất lực nhìn nước lũ tràn vào những luống đào vẫn đứng vững vàng sau cơn bão số 3, anh Lê Quang Minh - chủ vườn đào Nhật Tân thở dài: “Nước càng ngày càng dâng cao. Nếu sau 3 - 4 ngày nước lũ không rút, không chỉ đào mà hoa màu, rau cỏ cũng chết sạch”.
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Lệnh báo động lũ này được đưa ra căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Long Biên hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 là 9,5m (mực nước báo động I là 9,5m). Vào lúc 9 giờ cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cũng lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Trước đó, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến mực nước sông Hồng dâng cao, thậm chí nhiều nơi tại Thủ đô đã diễn ra tình trạng ngập úng, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng. |