Thị trường đã hình thành
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đạt khoảng trên 62.000MW, trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000MW.
Bên trong nhà máy sản xuất tấm quang điện IREX của SolarBK |
Sự phát triển này cho thấy lợi ích và tiềm năng còn rất lớn của năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Vấn đề được quan tâm hiện nay là làm sao mảng năng lượng này có sự đầu tư đúng mức để phát triển bài bản, bền vững tương xứng với kỳ vọng sẽ trở thành một trong những giải pháp quan trọng cho mục tiêu quốc gia về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hợp tác tư vấn từ tổ chức quốc tế
Để góp phần giải quyết vấn đề này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện các chương trình thúc đẩy nhằm đưa ra giải pháp giúp định hình cũng như chuẩn hoá điện mặt trời theo hướng phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của Việt Nam. Nổi bật trong nhóm này, có chương trình của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) như “Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng” (4E) được thực hiện từ 6/2015 đến 12/2021 cho việc phát triển năng lượng tổng thể; hay gần đây là “Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp” (CIRTS) kéo dài từ 2/2021 đến 1/2025. Mục tiêu của CIRTS là cải thiện các điều kiện tiền đề cho sự phát triển bền vững của thị trường, tập trung vào ba lĩnh vực hoạt động chính: Quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực, cải thiện cơ sở thông tin. Trong đó, việc “Phân tích khoảng trống trong các quy tắc kỹ thuật và tiêu chuẩn để nối lưới các dự án điện mặt trời mái nhà” là một trong các vấn đề được đặt trọng tâm.
Nếu như GIZ ở vai trò là tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm từ quốc gia đã đi trước vài thập kỷ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời thì trong nước cũng cần có những nhân tố “đối ứng” cho việc xây dựng tiêu chuẩn thực tiễn, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Lĩnh vực này ở nước ta quả thực còn non trẻ, tìm kiếm nguồn lực nội tại vừa am hiểu từ khâu sản xuất đến việc triển khai toàn vòng đời dự án chỉ đếm chưa đến 1 bàn tay. Điều này cho thấy rõ sự cần thiết có những quy chuẩn chung của ngành để không chỉ một vài doanh nghiệp trong nước phát triển mà thúc đẩy được nhiều doanh nghiệp tham gia một cách bài bản, bền vững hơn.
Doanh nghiệp nội có sẵn nền tảng nghiên cứu
Mới đây, Công ty CP Đầu tư & Phát triển Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) được Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương giao nhiệm vụ trong việc “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và trình diễn 3 mô hình điển hình về thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời áp mái” thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Bộ Công Thương. Ba mô hình điển hình sẽ trình diễn là các hệ thống ĐMTMN lắp đặt tại: Nhà máy Oasis (công suất: 233 kWp), nhà máy Jim Brothers (999 kWp), nhà máy Shimmer (972 kWp). Đây đều là những nhà máy tiêu chuẩn 5-sao trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
Kiểm tra kỹ thuật điện mặt trời tại dự án Jim Brothers. |
SolarBK được biết đến như là người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. Tiền thân của công ty là nhóm các nhà nghiên cứu năng lượng gió & năng lượng mặt trời đã thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước những năm 1975. Từ năm 1994, một trong những nhà sáng lập của SolarBK, cô Dương Thị Thanh Lương làm chủ nhiệm nhiều đề tài và dự án cấp nhà nước về năng lượng gió. Với những đóng góp trong nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các thiết bị năng lượng sạch, năm 2003 cô Dương Thị Thanh Lương vinh dự nhận huy chương “Vì sự nghiệp khoa học” do Bộ trưởng – Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng. Vào năm 2008, bằng giải pháp kỹ thuật cụ thể và chuẩn mực, SolarBK được Bộ Tư lệnh Hải quân tin tưởng cho triển khai dự án đặc biệt “Tổng thể chiếu sáng quần đảo Trường Sa bằng năng lượng sạch”, đến nay, SolarBK vẫn đều đặn ra Trường Sa để làm công tác bảo trì – bảo dưỡng định kỳ.
Năm 2011, SolarBK cũng là đơn vị đầu tiên được Bộ Công Thương giao nhiệm phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai mô hình ESCO cho lĩnh vực nước nóng năng lượng mặt trời đã gặt hái những thành công nhất định. 13 năm gắn bó với SolarBK và trực tiếp triển khai nhiều dự án trọng điểm, ông Nguyễn Sơn Trường Giang - Phó Tổng giám đốc SolarBK phụ trách mảng Sản xuất – Kỹ thuật - chia sẻ: “Đây là nhiệm vụ đầy thử thách và cũng đầy phấn khởi khi chúng tôi thấy ngành điện mặt trời đã được quan tâm đến chuẩn hoá kỹ thuật bởi đây là vừa là điểm mấu chốt trong việc phát triển ĐMT vừa không phải là thế mạnh của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng chọn lọc từ kinh nghiệm thực tiễn không chỉ là 3 dự án trình diễn mà là từ nhiều dự án trước đó để làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”.
Giữa lúc thị trường còn đang nhấp nhỏm chờ đợi chính sách tiếp theo thì những chương trình như trên đã cho thấy tầm nhìn và sự quan tâm nhất định của các cơ quan, tổ chức đối với sự phát triển bền vững của điện mặt trời mái nhà.