Thứ hai 12/05/2025 17:51
Phiên họp thứ 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

Chưa thống nhất nhiều nội dung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua và sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 cuối năm nay. Song, thảo luận tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật này ngày 12/8, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến những nội dung được xem là “xương sống” của Luật.

Nên giao KTNN thực hiện giám định tư pháp?

Đi thẳng vào nội dung các quy định bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN như dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật - cho rằng, quy định như vậy là quá rộng và chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác và chưa cụ thể để thực hiện. Vì vậy, Cơ quan thẩm tra đồng ý với ý kiến của KTNN - Cơ quan soạn thảo - về việc đề nghị bỏ, không bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền của KTNN trong giám định tư pháp.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban TCNS và KTNN phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh Dự luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào Phiên họp thứ 37 tới đây

Tuy nhiên trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc đưa vào dự thảo Luật quy định này là xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó, vướng mắc rất lớn hiện nay là giám định tài chính liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng như nội dung Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu rõ, giao cho KTNN thực hiện giám định tư pháp.

Không tán thành với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu quy định giao cho KTNN thực hiện chức năng giám định tư pháp thì sẽ liên quan từ trung ương đến địa phương, tòa án, cơ quan điều tra… sẽ yêu cầu KTNN giám định tư pháp.

Nhấn mạnh “nếu KTNN thực hiện được chức năng giám định tư pháp thì “quá tốt””, song Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu giao cho KTNN thực hiện như một nhiệm vụ bắt buộc thì khối lượng công việc của KTNN sẽ rất nặng, không đủ sức.

“Rạch ròi” thẩm quyền thanh tra - kiểm toán

Liên quan đến những quy định nhằm tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các cấp và của KTNN, chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật KTNN đã được nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong khi đó, các quy định trong Dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành và thanh tra địa phương.

Vì vậy, đại diện Uỷ ban TCNS đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để khắc phục vấn đề này, đồng thời quy định nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần quy định rõ ai sẽ là người điều hòa? điều hòa như thế nào? và thẩm quyền, trách nhiệm ra sao trong trường hợp xảy ra sự chồng chéo giữa cơ quan Thanh tra và cơ quan Kiểm toán để đảm bảo không vướng mắc khi triển khai thực hiện và để hai cơ quan cùng phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán trong dự thảo Luật nhận được khá nhiều ý kiến. Cụ thể, theo Uỷ ban TCNS, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán phải là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và là các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán.

“Không quy định rõ thì dễ bị lạm dụng, nếu tự dưng KTNN xông vào kiểm toán một đơn vị tư nhân là sai” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Thận trọng khi cho phép KTNN truy cập dữ liệu điện tử

Về việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan được kiểm toán, Ủy ban TCNS thống nhất cho phép KTNN được truy cập. Tuy nhiên, dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin để có thể quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố.

Do đó, tại phiên thảo luận, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn thận trọng cho rằng cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn về quy định này, bởi, nếu cho phép KTNN quyền truy cập thông tin điện tử trong khi những đối tượng khác (cơ quan, tổ chức, cá nhân…) không có quyền truy cập thì phải làm rõ là quyền này đến mức nào. Ví dụ, chỉ cho phép KTNN truy cập dữ liệu điện tử khi có biểu hiện trốn thuế hay biểu hiện làm sai quy định về tài chính chứ thường xuyên truy cập thì không được.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, ngay tại dự thảo Luật phải quy định rõ về trường hợp, mức độ truy cập để không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân, đồng thời phải quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ của kiểm toán viên KTNN.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trên cơ sở phiên họp này, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu theo hướng không mở rộng thêm nhiệm vụ của KTNN; giữ nguyên phạm vi hoạt động của KTNN; quy định rõ một cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, điều phối nếu có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban TCNS và KTNN phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh Dự luật và báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào Phiên họp thứ 37 tới đây.
Hoàng Châu
Bài viết cùng chủ đề: Kiểm toán nhà nước

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Kỳ vọng Bắc Ninh viết nên kỳ tích sông Cầu

Thủ tướng Thái Lan sắp thăm chính thức Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đề nghị không tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu

Đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND trước 3 tháng để kiện toàn bộ máy

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Siết lỗ giả, chống chuyển giá

Nhân sự tuần qua: Bổ nhiệm lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang

Quốc hội xem xét sửa 47 điều trong Luật Bầu cử: Tăng trách nhiệm cho chính quyền hai cấp

Khi Tổng Bí thư và Đảng ta lần đầu gọi doanh nhân là chiến sĩ

Tổng Bí thư: Hợp tác dầu khí là kết tinh trí tuệ Liên bang Nga và ý chí, khát vọng Việt Nam

Toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế

Thủ tướng nhắc nhiều địa phương chưa quyết liệt xóa nhà tạm

Thủ tướng: Cả nước đã xóa gần 209.000 căn nhà tạm

Thủ tướng yêu cầu '6 rõ' trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 về xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thủ tướng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư xứng tầm cho sân bay Gia Bình

Chính phủ tạo 'bệ phóng' cho tập đoàn tư nhân vươn tầm toàn cầu

Chi tiết phương án sáp nhập tỉnh mới nhất

Chủ tịch Quốc hội: Không điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Đại biểu Quốc hội đề xuất gì?

Thủ tướng nhắc 10 địa phương cần khẩn trương gỡ vướng dự án cao tốc