Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, kể từ khi nhận được thông báo của APG tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của APG vào tháng 7/2017, Việt Nam đã bắt tay vào chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Việt Nam đã nỗ lực tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn từ năm 2015-2020. Với sự hỗ trợ của World Bank, Việt Nam đã thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố; trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam.
Chương trình hội thảo tiền đánh giá đa phương của APG về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố |
Việt Nam đã tổ chức thu thập thông tin, số liệu xây dựng Báo cáo tuân thủ kỹ thuật (Báo cáo TC) và Báo cáo tính hiệu quả (Báo cáo IO) gửi APG. Theo đó, Việt Nam đã gửi cho Đoàn đánh giá của APG Báo cáo TC vào ngày 3/5/2019 và Báo cáo IO vào ngày 12/7/2019. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị phản hồi đối với các câu hỏi của Đoàn đánh giá đối với Báo cáo TC; và cũng đang nghiên cứu những vấn đề mà Đoàn đánh giá đưa ra liên quan đến nội dung dự kiến tập trung làm rõ trong đợt làm việc tại chỗ tháng 11/2019, ý kiến sơ bộ đối với một số nội dung trong Báo cáo IO.
Tuy nhiên, theo quy trình đánh giá đa phương của APG và phương pháp luận của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (Financial Action Task Force), ngoài đánh giá tính tuân thủ kỹ thuật, APG còn đánh giá tính hiệu quả đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam nên chúng tôi nhận thức vòng đánh giá đa phương lần này đối với các quốc gia thành viên của APG nói chung và đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nói riêng thực sự có nhiều thách thức hơn so với đợt đánh giá đa phương trước đây. Do đó, việc chuẩn bị cho đánh giá là một thách thức không nhỏ đối với cả khu vực công và khu vực tư.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: Mặc dù việc chuẩn bị cho đánh giá đa phương là một khối lượng công việc rất lớn và là một thách thức đối với Việt Nam nhưng NHNN xác định đây cũng là một cơ hội lớn giúp Việt Nam đánh giá đúng thực trạng, xác định được điểm mạnh, điểm yếu trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của mình từ đó có những giải pháp phù hợp đảm bảo cho sự phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn và bền vững trên cơ sở tuân thủ các khuyến nghị của FATF có hiệu quả.