Cổng chính của Chùa Mỹ Cụ.
CôngThương - Ngôi chùa được coi là lâu đời nhất của huyện Thủy Nguyên cũng như thành phố Hải Phòng. Tương truyền song thân vua Lê Đại Hành đã đến chùa cầu tự sau đó sinh ra vua. Tức là vào khoảng thế kỷ X chùa đã được xây dựng.
Chúng tôi tìm về ngôi chùa trong tiết trời mùa thu mát mẻ, một không gian thoáng đạt giữa chốn quê thanh bình ấy càng khiến cho ngôi chùa thêm phần tĩnh mịch. Qua các tài liệu để lại, trên mảnh đất này cách đây 700 năm (1230 – 1291) một nhà thơ, một nhà quân sự, danh nhân văn hóa, nhà tư tưởng, cư sỹ với tên gọi Hưng ninh Vương Trần Tung đạo hiệu Tuệ Trung Tượng Sỹ - người thầy của Trúc Lâm sơ tổ - nhà thiền học bậc thầy của thiền tông Việt Nam trong một thời đại thịnh vượng của phật giáo văn hóa dân tộc đã về lập tĩnh thất tại thái ấp Dưỡng Chân xưa (nay là Chính Mỹ). Tại đây ngài vui với cuộc sống ẩn dật thanh cao khiêm nhường, từ nhỏ ngài đã mộ đạo từ bi của đức Phật nên sau này ngài chuyên tâm nghiên cứu thiền học, nắm vững yếu chỉ phật giáo, ngài đề xướng những châm ngôn để dẫn dắt lớp hậu học đi tới vầng sáng của cuộc đời. Rất may, Nguyên sử và sách An Nam chí lược của Lê Trắc có viết như sau: Trần Tung là con trai đầu của An Sinh Vương Trần Liễu, là anh cả của Trần Quốc Tuấn... Trong chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ hai (1284 – 1285) ông đã cùng với em trai là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy cánh quân lớn tấn công mặt trận phía Đông buộc quân Nguyên phải rút bỏ Thăng Long lui về Vạn Kiếp...
Sau chiến thắng quân Nguyên, ngài được giữ chức Tiết Độ Sứ vùng Duyên hải. Vốn không ham danh lợi ngài xin từ chức về đất Dưỡng Chân để sống cuộc đời thanh nhàn. Trải qua hơn 700 năm nay vẫn còn dấu tích cánh đồng Trang học, giếng đá và cầu rửa của trường, ở làng Dưỡng Chính, Chính Mỹ còn dấu vết tĩnh thất Dưỡng Chân của ngài. Trong cuốn sách của Trần Khắc Chung ( đời vua Trần Nhân Tông) có đoạn: “ Thượng sĩ Trần Tung là ngọn đèn tổ của Phật hoàng, lấy tâm để truyền tâm. Xưa kia Đức Phật bỏ ngôi vương giả, rời cỗ xe vàng đến ngồi dưới gốc cây bồ đề, khai diễn phép võ thượng thừa, cứu độ chúng sinh...thượng sĩ thực đã mở mang lĩnh ngộ được phép thần ấy”. Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu Phật giáo nước ta đều tiếp nối đánh giá rất cao coi ông là nhà thiền học bậc thầy nước ta. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo về thân thế sự nghiệp của ông và sách của ông được phiên âm ra chữ quốc ngữ.
Đến nay, ngôi chùa này còn giữ lại được văn tự cổ nhất chính là cây Thạch trụ đài niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1795) đời vua Lê Hy Tông ghi lại việc trùng tu, xây dựng chùa. Một số bia đá, một quả chuông đồng ghi niên hiệu Hoàng Triều Minh Mệnh thập lục niên tương ứng năm 1836. Quang cảnh trong chùa thật đẹp, hiện trên núi vẫn còn một cây tùng cao lớn, bề thế được các nhà nghiên cứu đánh giá cây này được trồng cách đây khoảng 700 năm. Sau ngần ấy năm những biến động về không gian, thời gian nhưng dấu ấn về con người ấy, ngôi chùa ấy không hề bị mai một mà ngày càng được tu bổ, trùng tu để xứng tầm với lịch sử.
Trong cái nắng mùa thu, đi giữa khu vườn cổ kính với các tầng tháp trải qua bao lớp thời gian, rêu phong phủ kín, tôi cứ tự nhủ rằng, không bao lâu nữa ngôi chùa này cũng sẽ được trả về cho xứng tầm với thời gian, với lịch sử. Giờ đây cạnh ngôi chùa này một bức tượng về ông Trần Tung được đặt tại chính khu đất tịnh thất Dưỡng Chân nhằm tôn vinh nhà thiền học bậc thầy, một danh tướng, một nhà ngoại giao lỗi lạc đời Trần. Mong rằng, cùng với núi non Yên Tử, vùng đất Dưỡng Chân sẽ mãi ghi dấu một danh nhân của đất nước Việt Nam. Cũng hi vọng rằng địa danh này sẽ được nằm trong tua du khảo đồng quê của Hải Phòng. Cùng với di tích đền Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành nhà Mạc ở Dương Kinh... sẽ tạo cho du khách hiểu thêm về đất và người Hải Phòng. Di tích này rất mong được thành phố Hải Phòng quan tâm và trả về cho lịch sử những giá trị nguyên bản của nó.