Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải chủ trì họp báo
CôngThương -Chưa điều chỉnh giá điện trong tháng 10
Trong cuộc họp báo, ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực- khẳng định, trong tháng 10/2012 Bộ Công Thương vẫn chưa có chủ trương điều chỉnh giá điện.
Ông Cường cho rằng, theo Quyết định 24/TTg, để điều chỉnh giá điện thì Bộ Công Thương sẽ phải tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất,kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực (EVN). Đến thời điểm này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn đang tiến hành kiểm tra và chưa có kết quả.
"Trong tháng 10 vẫn chưa có phương án điều chỉnh giá điện, Bộ cũng yêu cầu EVN tính toán giá thành của cả năm 2012 và cả năm 2013, sau khi có đầy đủ số liệu thì Bộ mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt" - ông Cường cho biết.
Theo báo cáo của EVN, 9 tháng năm nay, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt trên 89,4 tỷ kWh, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Về cơ bản nguồn điện vận hành ổn định, không xảy ra sự cố lớn gây ảnh hưởng đến cung cấp điện toàn hệ thống, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước. Cũng trong tháng 9, EVN đã đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.153MW, gồm tổ máy 1 và 2 Thủy điện Kanak, tổ máy 1 và 2 Thủy điện Đồng Nai, tổ máy 5 và 6 Thủy điện Sơn La, cũng như hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Sơn La- Hiệp Hòa. Ngoài ra, trong tháng 10, dự kiến sẽ có 7 tổ máy mới được đưa vào vận hành với tổng công suất 301,5 MW, bao gồm: tổ máy 1 Thủy điện Bản Chát (110MW); tổ máy 1 Thủy điện Nậm Chiến (100MW); tổ máy 1 Thủy điện Tà Thàng (30MW); tổ máy 1 Thủy điện Văn Chấn (19MW); tổ máy 1 Nhiệt điện Nông Sơn (15MW); tổ máy 1 Thủy điện Sông Giang 2 (18,5MW); tổ máy 2 Thủy điện Đăk Mi 4C (9MW).
Liên quan đến việc tăng giá than cho điện từ 15/9, ông Cường cho biết thêm, trên cơ sở tính toán thông số đầu vào các nhà máy điện của EVN thì thời gian tới, việc tính chi phí sản xuất than ảnh hưởng đến giá điện còn phải dựa vào chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN trong năm 2012 và Liên Bộ Công Thương -Tài chính sẽ tính toán cụ thể.
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 đủ điều kiện tích nước
Cũng tại buổi họp báo, để làm rõ hơn trách nhiệm liên quan đến Thủy điện Sông Tranh 2, ông Cao Anh Dũng- Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - đã báo cáo, đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Do vậy, cơ quan nào xây dựng và thẩm định thì phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, báo cáo của EVN và Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng về kết quả xử lý thấm và khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ngày 28/9 đã khẳng định, đập thủy điện này đã an toàn và đủ điều kiện tích nước.
Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì việc chống thấm đạt kết quả tốt, đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm ổn định, an toàn. Động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My thời gian qua là động đất kích thích, cấp động đất không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các điều kiện thủy văn, địa chất kiến tạo... nên chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 mà cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc tác động của lũ, động đất đến công trình.
Xăng sinh học tiêu thụ chậm do chưa phát triển mạng lưới phân phối
Trả lời về vấn đề xăng sinh học đã triển khai từ 2005 nhưng tình hình tiêu thụ vẫn rất chậm, ông Nguyễn Phú Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - cho biết: Xăng sinh học (mà hiện nay tại Việt Nam đang lưu hành sản phẩm E5- 5% ethanol) có tác dụng bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng, hạn chế trữ lượng dầu mỏ tự nhiên ngày càng sụt giảm. Tuy nhiên, do nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam còn hạn chế và do thói quen sử dụng xăng từ chế phẩm dầu mỏ nên nhu cầu sử dụng của loại xăng này rất thấp.
Hơn nữa, để tiêu thụ xăng sinh học đòi hỏi phải phát triển một cơ sở hạ tầng như kho bể và mạng lưới phân phối riêng. Vì thế, cần có thời gian để phát triển hệ thống. Như hệ thống phân phối xăng sinh học của Thái Lan xây dựng từ 1990 đến nay mới đưa xăng sinh học phổ biến ra thị trường được. Ở Việt Nam, từ năm 2005 đến nay chưa phải thời gian dài song các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí đã xây dựng được 70 điểm bán là nỗ lực rất lớn.
Toàn bộ lượng xăng sinh học E5 trước khi được đưa ra thị trường đều được hợp quy bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học (QCVN 1: 2009/BKHCN).
Để xăng sinh học đi vào đời sống, cần tuyên truyền, phổ biến tốt hơn tác dụng của xăng sinh học cho người dân. Vừa qua Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng lộ trình phát triển xăng sinh học, hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ lộ trình, có thể được phê duyệt trong năm nay. Theo đó, sẽ bắt buộc tiêu thụ xăng sinh học ở một mức độ nhất định tại một số đô thị.
Trả lời câu hỏi vì sao dự án Nhà máy sản xuất ethanol (nguyên liệu cho xăng sinh học) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Phú Thọ chậm đi vào hoạt động, ông Cường cho biết, dự án này PVN đã đầu tư một số vốn rất lớn là 2.000 tỷ đồng. “Không một ai đầu tư số vốn lớn như thế mà không mong muốn dự án sớm đi vào hoạt động” - đại diện Vụ Khoa học- Công nghệ nói. Tuy nhiên, hiện nay dự án chậm do còn vướng mắc một số vấn đề kỹ thuật dẫn.
Khi bắt đầu có dự án xăng sinh học thì giá sắn (nguyên liệu sản xuất ethanol) ở khu vực này đã bị đẩy lên một cách bất hợp lý, từ khoảng 1.500- 2.000 đồng/kg lên 5.000- 5.800 đồng/kg. Hiện nay giá sắn rớt xuống 3.500 đồng/kg vẫn là cao hơn giá khi nhà máy chưa xây dựng. Ông Cường khẳng định: Không phải vì dự án xăng sinh học khiến giá sắn rớt bởi năm nay, riêng xuất khẩu sắn đã tới 1,3 triệu tấn. Khó khăn trong xuất khẩu chính là nguyên nhân quan trọng khiến giá sắn rơi vào tình trạng này, không liên quan tới 3 nhà máy sản xuất ethanol.
Xử lý hơn 100 cửa hàng xăng dầu ngừng bán
Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Thanh Lam- Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) - đã công bố việc xử lý hơn 100 cây xăng giảm, dừng thời gian bán hàng trong 2 đợt tăng giá xăng dầu vừa qua. Theo ông Lam, trước tình hình vi phạm của một số cây xăng, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Quản lý thị trường kết hợp với Vụ Thị trường trong nước phối hợp với lực lượng công an thành lập 2 đoàn kiểm tra.
Cục QLTT đã yêu cầu các chi cục địa phương phân loại các vi phạm. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 13 cửa hàng, 12 cửa hàng đang lập hồ sơ về vi phạm, 12 cửa hàng khác có dấu hiệu vi phạm. Xử lý, phạt hành chính 210 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh của 3 cửa hàng; phát hiện 5/7 DN (làm tổng đại lý, đại lý) có những vi phạm chủ yếu về kho chứa, làm đại lý cho nhiều đầu mối, cắt giảm thời gian bán hàng.