Pho tượng nào cũng nhẵn bóng vì khách thập phương xoa lấy may
CôngThương - Hỗn độn chốn tâm linh
Dọc theo hai dãy hành lang La Hán là những pho tượng lớn, uy nghi. Do mới được chế tác nên những pho tượng đều có màu trắng của đá. Tuy nhiên, tất cả đầu gối, khuỷu tay, bàn tay của các pho tượng đã trở nên đen bóng vì bị hàng vạn du khách xoa vào lấy may. Tại gác chuông, nơi treo “Đại hồng chung” bằng đồng nặng nhất Việt Nam, từng đoàn du khách trèo lên gác chuông rồi ném tiền về phía chiếc chuông và mặt trống đồng phía dưới, tạo nên những “bãi rác” tiền rất khó hiểu. Ở điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế… các pho tượng phật, la hán cũng chung cảnh ngộ.
Ngại nhất là đội thợ ảnh đông đảo và hết sức “kiên nhẫn”. Một đoàn du khách đang cãi cọ vì những người trong cùng gia đình chỉ cần 1 tấm thôi nhưng thợ lại “trót” in mỗi người trong ảnh 1 tấm. Tại điện Tam Thế uy nghiêm, trong khi mọi người xì xụp khấn lễ thì một cô gái mặc áo ba lỗ đứng tạo dáng chụp ảnh ngay trước bức tượng phật và khách thập phương đang hành lễ .
Cơ động cũng bất lực
Trên hành lang La Hán, 3 người phụ nữ bán hàng rong đang chèo kéo khách bỗng vơ rất nhanh tấm ni lông bày hàng rồi chạy vào nấp sau các pho tượng, miệng không ngớt văng tục chửi thề. Khi chiếc xe cơ động đi qua, tất cả lại trở về vị trí cũ. Đội quân “cái bang” cũng đông đảo không kém. Khi tôi hỏi chị bán hàng xén là những người tật nguyền đáng thương kia lên tận đây bằng cách nào, chị hài hước: ông ấy đi xe máy đến, gửi xe ngoài bãi rồi vào đây mới bị tật nguyền (!?).
Được biết, đội cơ động cũng kiểm tra, thu và phạt nặng người cung cấp thang trèo tường, bán hàng rong… nhưng đâu lại vào đó.
Bất hợp lý
mức giá 25.000 đồng một lượt/người (khứ hồi là 50.000 đồng) ngồi xe điện cho quãng đường dài 3,5km từ bến xe vào cổng chùa có vẻ hơi đắt. Đó là chưa kể, hành trình đi bộ từ cổng Tam Quan, hành lang La Hán, khu tháp chuông, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, chùa Bái Đính cổ và quay trở lại cổng vào để đi xe điện lại xa hơn việc đi bộ từ chùa cổ ra bãi gửi xe. Vì vậy, để tiết kiệm tiền, lại không phải đi bộ xa, nhiều người chọn phương án mất 10.000 đồng/người đi xe ôm vào sát tường chùa và 2.000 đồng một lượt trèo thang vào. Lúc ra cũng vậy, ngay sau chiếc bàn bán vé là bãi đỗ xe có chiếc cổng sắt rất to nhưng đóng im ỉm. Thế là, thay cho việc đi bộ hay mất tiền đi xe điện, du khách chỉ mất 2.000 đồng trèo thang để ra ngay bãi gửi xe.