GRDP Đà Nẵng mất 1% tăng trưởng do sản xuất công nghiệp chững lại, tăng trưởng thấp kỷ lục |
Tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% cùng kỳ năm 2018. Kết quả không khả quan này dẫn Đà Nẵng đến một kịch bản tăng trưởng tối đa chỉ đạt 7,42%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu HĐND thành phố giao 8,86%, thậm chí là thấp hơn so với năm 2018 là 7,86%.
Nói về nguyên nhân sự chững lại của kinh tế thành phố, Chủ tịch UBND thành phố - ông Huỳnh Đức Thơ cho biết người dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến kết quả kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm khi thấy kết quả tăng trưởng rất thấp so với các tỉnh thành trong cả nước, so với khu vực, thậm chí là so với chính TP. Đà Nẵng những năm trước đây.
Theo ông Thơ, kinh tế Đà Nẵng chững lại, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là bởi 2 nguyên nhân chính đó là do ảnh hưởng không tích cực của sản xuất công nghiệp và do TP. Đà Nẵng đang phải “vất vả, vật lộn giải quyết các khó khăn của kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ” về các sai phạm đất đai của TP. Đà Nẵng từ nhiều đời lãnh đạo trước để lại.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận sản xuất công nghiệp và xây dựng đã rất lâu rồi mới tăng trưởng thấp kỷ lục. Theo thông tin từ Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, tăng trưởng trong lĩnh vực này chỉ đạt 5,68%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,41% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,02%, mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Việc “chững lại” của sản xuất công nghiệp Đà Nẵng làm giảm đến 1 điểm % trong GRDP thành phố.
Ông Thơ lý giải, do chính quyền TP. Đà Nẵng điều chỉnh các chính sách phát triển công nghiệp, thu hẹp công nghiệp sản xuất gây ô nhiễm. Cụ thể như dừng hoạt động 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý, làm sản lượng sắt thép của thành phố giảm đến 35,66%, hay việc dừng cấp phép khai khoáng mới (đất, đá, cát) làm ảnh hưởng đến lĩnh vực khai khoáng. Bên cạnh đó, là sự suy giảm của các ngành công nghiệp chủ lực thành phố. Các yếu tố này kéo tụt sản xuất công nghiệp thành phố đi xuống.
“Do chúng ta điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, chỉ thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ, không tiếp nhận các dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, nên thời gian này kinh tế có sự chững lại. Phải chấp nhận sự lựa chọn thôi. Không thể cùng lúc được tất cả mọi thứ. Đã lựa chọn thì chấp nhận giá phải trả để bảo đảm cho phát triển bền vững, bảo đảm môi trường”, ông Thơ nói.
Từ nửa cuối năm 2018, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng vất vả, vật lộn giải quyết, thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng |
Một nguyên nhân khác quan trọng không kém khiến kinh tế Đà Nẵng có nhiều “gam màu tối” đó là việc thành phố loay hoay tìm cách giải quyết các khó khăn từ kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm trong quản lý, chuyển đổi đất đai từ nhiều đời lãnh đạo trước.
Ông Thơ cho hay, từ nửa cuối năm 2018 đến nay, Chính quyền thành phố đã rất vất vả, vật lộn giải quyết các khó khăn theo kết luận 2852. Các dự án thuộc phạm vi thanh tra, kiểm tra của kết luận này chỉ vài ba chục dự án. Nhưng những dự án tương tự, cần phải rà soát, kiểm tra lại một lượt lên đến hàng nghìn lô đất, hàng trăm dự án. 6 tháng đầu năm 2019 là đỉnh điểm của việc tập trung tìm cách tháo gỡ, xử lý. Đà Nẵng cũng liên tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành để giải quyết các tồn tại. Nhưng tỷ lệ tháo gỡ được rất là ít. Có rất nhiều dự án bị mắc kẹt lại do đợi điều chỉnh quy hoạch chung. “Thành phố đã tìm mọi cách vận dụng để đảm bảo khơi thông các dự án, công trình này, khơi thông dòng vốn liên quan đến các dự án này những không được nhiều. Còn lại, dồn ứ trong thực tế. Hàng chục dự án nằm khắp nơi không thể triển khai được. Có những dự án đóng băng hoàn toàn, rêu mốc phủ đầy do quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra”, “đất ách lại, đi quanh thấy đất đai tùm lum mà không cựa quậy được”, ông Thơ nói
Từ 2 nguyên nhân trên, ông Thơ cho biết, Cục Thống kê thành phố dự báo, tăng trưởng kinh tế TP. Đà Nẵng cả năm sẽ đạt từ 7,25 – 7,42%. Chắc chắn sẽ không đạt được như kỳ vọng 8,86%.
Thương mại, dịch vụ là "điểm sáng" của kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2019 |
Tuy nhiên, ông Thơ cũng bày tỏ lạc quan về một số điểm sáng của thành phố trong 6 tháng đầu năm như tốc độ tăng trưởng dịch vụ du lịch cao, ổn định. Thu hút đầu tư đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây (hơn 500 triệu USD), các dự án công nghệ cao, chất lượng cao. Đà Nẵng cũng đã “thực hiện tốt đầu tư vào an sinh xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục”, cụ thể là đầu tư công cho các lĩnh vực này chiếm 50% tổng vốn đầu tư công.
Ngoài ra, ông Thơ cho biết chính quyền thành phố ghi nhận sự hợp tác rất tốt từ nhiều nhà đầu tư trong việc đồng thuận điều chỉnh lại quy hoạch dự án theo hướng tăng diện tích đất cho công cộng, tăng mật độ cây xanh, giảm độ cao, mật độ xây dựng công trình. Tiêu biểu như trả lại bãi biển cho người dân, mở rộng thêm đường khu vực ghềnh Nam Ô; cùng chính quyền thành phố cam kết hỗ trợ, tôn tạo văn hóa, phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô….