Giải pháp nào hạn chế tình trạng công ty tài chính "đội lốt" tín dụng đen? Người tiêu dùng cần chú ý các cảnh báo của công an để tránh bị lừa đảo, rơi bẫy tín dụng đen |
Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, người lao động Khánh Hòa, nhiều công nhân, người lao động bày tỏ sự lo lắng trước sự bủa vây của “tín dụng đen”, các đối tượng cho vay chuyển từ đe dọa người vay vốn đến đe dọa doanh nghiệp, cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo ông Đoàn Ngọc Cứ - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tín Thịnh, hiện nay một số người lao động có điều kiện kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định phải đi vay “tín dụng đen”, sau đó chậm đóng, hoặc không có khả năng chi trả dẫn đến các công ty tài chính, “đòi nợ thuê” gọi điện đến các doanh nghiệp bất kể giờ giấc, gây áp lực cho doanh nghiệp trả nợ cho người lao động.
Do đó, ông Cứ mong UBND tỉnh Khánh Hòa có những biện pháp ngăn ngừa “tín dụng đen” đang hoành hành tại các Khu công nghiệp hay các khu nhà trọ của công nhân, đồng thời có giải pháp hỗ trợ cho người lao động khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với các thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi cho người lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ông Đoàn Ngọc Cứ - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tín Thịnh |
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành 4 văn bản để chỉ đạo hạn chế tín dụng đen.
Trong đó nổi bật là Công văn 3550 ngày 17/4/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho ngành NH triển khai các chương trình tín dụng và xác minh nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân để tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, để hạn chế tín dụng đen và từ đó tiếp cận với các kênh tín dụng chính thức của ngành NH; Cùng với đó, chỉ đạo các Sở, ban, ngành tháo dỡ các băng rôn, bảng hiệu và các tờ rơi quảng cáo trái phép về cho vay nặng lãi tín dụng đen; Chỉ đạo các cơ quan nội chính tiến hành điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử các tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi và tín dụng đen.
Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa. |
Về công tác chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, đơn vị đã thực hiện các giải pháp như chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh mở rộng mạng lưới. Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh 38 chi nhánh ngân hàng NH và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Các ngân hàng đã mở tất cả 185 điểm dao dịch ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có các điểm giao dịch đến tận các xã, và ngoài ra toàn tỉnh còn có 1.560 điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính. Với lượng mạng lưới như vậy đã đủ để phục vụ nhu cầu về vốn, chuyển tiền, vay vốn và các nhu cầu khác của người dân khi đến giao dịch tại ngân hàng.
Cùng với đó, NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian luân chuyển chứng từ để tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thời gian nhanh nhất.
Ông Đỗ Trọng Thảo cũng cho hay, đơn vị đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 16 chương trình cho vay chính sách xã hội, trong đó có một số chương trình liên quan trực tiếp đến người lao động. Ví dụ như chương trình cho vay nhà ở xã hội, chương trình cho vay học sinh - sinh viên, chương trình cho vay xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm…
Ngoài ra, phối hợp với các Sở, ban ngành để triển khai các giải pháp hạn chế tín dụng đen. Trong đó gửi văn bản đến các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức các hội nghị triển khai các giải pháp hạn chế tín dụng đen. Đề nghị các cơ quan tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, đồng thời giới thiệu các kênh tín dụng chính thức, các chương trình tín dụng mà Nhà nước đang áp dụng để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Đặc biệt, đơn vị đã biên soạn lại các chương trình tín dụng mà ngành Ngân hàng đang áp dụng, gửi cho Sở Thông tin và Truyền thông để thông tin đến các Trung tâm văn hóa của các huyện, thị xã, thành phố, giới thiệu các chương trình trực tiếp đến người dân.
Theo Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, hiện hầu như hiện nay các ngân hàng đều có các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người lao động tập trung vào 4 nhóm: Cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Cho vay mua sắm phương tiện đi lại; Cho vay nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh, đi du lịch; Cho vay mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình…
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký hợp tác với Công ty tài chính HD Saigon và Công ty tài chính của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, theo thỏa thuận này, hai công ty tài chính trên sẽ cho người lao động vay tiêu dùng với lãi suất bằng 50% lãi suất các công ty tài chính đã áp dụng. Hiện theo báo cáo, gói cho vay này đang triển khai với số tiền đã cho vay là 250 tỷ đồng.
Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa Đỗ Trọng Thảo cho thông tin rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành gói sản phẩm cho vay tiêu dùng với số tiền 5.000 tỷ đồng, và để vay theo gói này thì người lao động không cần thế chấp tài sản và số tiền cho vay tối đa lên tới 30 triệu đồng. Hơn nữa, bắt đầu từ 24/4/2022, ngành Ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và dành cho người lao động có nhu cầu mua nhà ở xã hội, người lao động có nhu cầu cải tạo và xây dựng lại nhà ở với lãi suất thấp hơn từ 1,5% - 2% lãi suất thương mại mà ngân hàng đang áp dụng.
Cùng với đó, trước tình hình doanh nghiệp khó khăn trong việc trả nợ, người lao động khó khăn trong việc trả các gói vay tiêu dùng, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đặt câu hỏi: tại sao các ngân hàng có vốn, nhưng người vay lại rất ít, toàn đi vay "tín dụng đen", vì tín dụng đen chỉ cần gọi điện là vay được ngay? Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các ngân hàng cần kiểm tra lại thủ tục vay cần rõ ràng hơn, thủ tục hành chính phải gọn gàng, để tránh tình trạng “lúc cần thì không có”.
|