Thứ năm 15/05/2025 10:36

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương hiến kế thúc đẩy phát triển chuỗi công nghiệp hỗ trợ

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn đến ngành công nghiệp phụ trợ.

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.

Mục tiêu Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực Asean… Đối với ô tô, vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng.

Tuy nhiên, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn… Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.

Lãnh đạo Tập đoàn Trường Hải mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn "đi sớm" vào lĩnh vực cơ khí.

"Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…", ông Trần Bá Dương cho biết.

Trong lĩnh vực linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất, với khu vực như Tây Nguyên có thể chuyển đổi theo hình thức vừa rừng vừa chăn nuôi, thậm chí có một số chuyển đổi nông nghiệp để có những khu liên hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi để làm được tuần hoàn. Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam. Điển hình, thời gian vừa rồi, người dân trồng sầu riêng rất tốt và đã xuất khẩu được loại quả này.

Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, trung tâm triển lãm quốc gia, nhà ở xã hội, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao thể chất người dân…

Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để thực hiện.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xử lý công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cùng các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.

Ngoài hội nghị này, Thủ tướng giao các bộ, ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp theo các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Công nghiệp hỗ trợ

Tin cùng chuyên mục

Cần tiêu chí riêng để đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Sửa luật ngân sách: Phân cấp nguồn thu, tăng quyền địa phương

Ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trình Quốc hội Luật tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Chính quyền địa phương hai cấp: Dấu mốc cải cách thể chế lịch sử

Thủ tướng: Mở đợt đấu tranh cao điểm chống hàng giả, gian lận thương mại

Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch tỉnh

Sửa Hiến pháp năm 2013: Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên cơ chế chất vấn

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Hoàn thiện chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp cần thể chế rõ mô hình chính quyền hai cấp

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt buôn lậu hàng giả

Thảo luận về sửa Hiến pháp: Bảo đảm tính thống nhất, không bỏ sót quyền hạn địa phương

Tổng Bí thư: Tăng cường vận động nhân dân đóng góp sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID

Thủ tướng: Xây dựng, phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam

Tháo gỡ rào cản tài chính cho khoa học công nghệ

Toàn cảnh Lễ hội Hoa Phượng Đỏ: Rực rỡ 'bữa tiệc' ánh sáng

Hải Phòng: Khánh thành cảng container quốc tế gần 7.000 tỷ đồng

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam

Mở rộng không gian phát triển dược liệu từ rừng