Chủ tịch nước Tô Lâm: Anh tích cực hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trung hoà carbon Chủ tịch nước Tô Lâm: Chủ động nắm bắt vấn đề tác động đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam |
Buổi gặp mặt thân mật đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
Cùng dự còn có sự hiện diện của 91 đại biểu là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu người có công với cách mạng. Ảnh: TTXVN |
Bày tỏ vui mừng, xúc động được gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng lời thăm hỏi chân tình, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Chủ tịch nước cho biết, trong suốt 77 năm qua, nhất là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, ưu đãi người có công với cách mạng.
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch nước hoan nghênh ý chí tự lực, tự cường giúp nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực, đóng góp vào công tác thương binh và người có công.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình thương binh liệt sỹ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tiếp tục quan tâm thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người có công, thân nhân liệt sỹ, các gia đình chính sách luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Chủ tịch nước, cần tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách, nhất là công tác giải quyết hậu quả sau chiến tranh, tìm kiếm, quy tập, mộ liệt sỹ, những trường hợp người có công còn tồn đọng, hoặc chưa được hưởng đầy đủ chính sách; quan tâm cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe người cô đơn, không nơi nương tựa; phấn đấu đảm bảo 100% người có công phải có mức trên mức trung bình so với dân cư cùng địa bàn, được hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ nhất; quan tâm ưu tiên để giải quyết khó khăn, xóa đói, giảm nghèo cho các đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo trên cả nước.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ mai sau, để bồi đắp niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, viết tiếp trang sử vẻ vang mà bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần bù đắp những đau thương, mất mát, hậu quả sau chiến tranh, coi đó là bổn phận, là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.